Người bán hàng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đúng chất lượng thì người mua hàng có được phép trả hàng không?
Có được phép trả hàng khi người bán quảng cáo sai sự thật về thông tin sản phẩm?
Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, cụ thể:
“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”
Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự được xem là vô hiệu thì:
- Giao dịch đó không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập;
- Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả;
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó;
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Các quy định trên cho thấy giao dịch giữa chị và người bán nồi áp suất được xem là giao dịch vô hiệu bởi hành vi cung cấp thông tin khiến chị hiểu sai lệch về chất liệu của sản phẩm. Từ đó, nghĩa vụ hoàn trả lại những gì đã nhận được đặt ra cho các bên, cụ thể, chị trả lại cho người bán sản phẩm mình đã mua và người bán phải hoàn trả số tiền đã nhận từ chị.
Vậy, trong trường hợp người bán quảng cáo sai thông tin sản phẩm, chị có thể trả lại sản phẩm đã mua và yêu cầu người bán hoàn tiền cho mình.
Quảng cáo sai sự thật có là hành vi bị cấm của người kinh doanh hàng hóa đối với người tiêu dùng?
Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về các hành vi bị cấm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thông qua hoạt động quảng cáo, cụ thể:
“Điều 10. Các hành vi bị cấm
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;
b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”
Theo đó, việc cá nhân kinh doanh có hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa mà cá nhân kinh doanh là hành vi bị cấm. Khi cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm.
Hành vi quảng cáo sai sự thật về hàng hóa bị phạt bao nhiêu?
Điểm đ khoản 1 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt dành cho hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thì đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, cụ thể:
“Điều 47. Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây:
[...]
đ) Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.”
Bên cạnh đó, cá nhân có hành vi trên còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc thông tin gây nhầm lẫn được quy định tại khoản 5 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Vậy, đối với hành vi cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, người bán hàng cho chị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, với tổ chức sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Đồng thời, buộc phải cải chính thông tin sai sự thật này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Toàn bộ chế độ chính sách với cán bộ công chức viên chức khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 tại Nghị định 178 năm 2024?
- Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người làm việc tại hội có nằm trong khoản chi của hội không?
- Hướng dẫn tra cứu mã chương, tiểu mục nộp thuế môn bài năm 2025? Mã chương, tiểu mục nộp thuế môn bài năm 2025 thế nào?
- Phương pháp xác định mức sử dụng năng lượng trong các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa từ ngày 1/4/2025 ra sao?
- Đáp án tuần 2 cuộc thi tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh Bảng A thế nào?