Người bị tạm giữ, tạm giam có những quyền gì? Chế độ quản lý với người tạm giữ như thế nào?
Người bị tạm giam, tạm giữ là gì?
Theo Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định cụ thể:
- Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
- Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Chế độ quản lý với người tạm giữ
Hành vi bị nghiêm cấm
Tại Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do.
- Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
- Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
- Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Người bị tạm giữ, tạm giam có những quyền gì?
Căn cứ theo Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
+ Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
+ Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
+ Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
+ Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
+ Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
+ Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
+ Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
+ Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
+ Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
+ Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:
+ Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
+ Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Chế độ quản lý với người tạm giữ, tạm giam
Theo Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:
- Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.
- Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
- Việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như sau:
+ Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định;
+ Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận;
+ Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định;
+ Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?