Người dự thi Kiểm sát viên sử dụng tài liệu trong phòng thi sẽ bị xử lý như thế nào? Người dự thi Kiểm sát viên phải tuân thủ những quy định gì?
Người dự thi Kiểm sát viên sử dụng tài liệu trong phòng thi sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Nội quy thi tuyển Kiểm sát viên ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định về việc xử lý vi phạm đối với người dự thi như sau:
Xử lý vi phạm đối với người dự thi
1. Hình thức khiển trách được áp dụng đối với người dự thi vi phạm một trong các lỗi:
a) Ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình;
b) Trao đổi với người khác đã bị nhắc nhở một lần nhưng vẫn không chấp hành;
c) Mang tài liệu vào phòng thi nhưng chưa sử dụng (trừ trường hợp đề thi có quy định được mang tài liệu vào phòng thi).
Giám thị phòng thi lập biên bản và công bố công khai hình thức khiển trách tại phòng thi, người dự thi bị khiển trách ở bài thi nào sẽ bị trừ 20% kết quả điểm thi của bài thi đó.
2. Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với người dự thi vi phạm một trong các lỗi:
a) Đã bị khiển trách nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nội quy phòng thi;
b) Sử dụng tài liệu trong phòng thi (trừ trường hợp đề thi có quy định được sử dụng tài liệu trong phòng thi);
c) Trao đổi giấy nháp, bài thi cho nhau;
d) Chép bài của người khác;
đ) Sử dụng điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, máy tính bảng, máy quay phim và các phương tiện thông tin khác trong phòng thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).
Giám thị phòng thi lập biên bản, thu tang vật và công bố công khai hình thức cảnh cáo tại phòng thi. Người dự thi bị cảnh cáo ở bài thi nào thì sẽ bị trừ 40% kết quả điểm thi của bài thi đó.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người dự thi Kiểm sát viên sử dụng tài liệu trong phòng thi mà đề thi không có quy định được sử dụng tài liệu thì người dự thi sẽ bị xử phạt với hình thức cảnh cáo.
Theo đó, khi vi phạm người dự thi sẽ bị giám thị phòng thi lập biên bản, thu tang vật và công bố công khai hình thức cảnh cáo tại phòng thi. Đồng thời, sẽ bị trừ 40% kết quả điểm thi của bài thi bị cảnh cáo.
Thi tuyển Kiểm sát viên (Hình từ Internet)
Người dự thi tuyển Kiểm sát viên phải tuân thủ những quy định gì?
Theo Điều 1 Nội quy thi tuyển Kiểm sát viên ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-VKSTC năm 2017 thì người dự thi Kiểm sát viên cần phải tuân thủ những yêu cầu sau đây:
- Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ, mặc trang phục của ngành Kiểm sát nhân dân đúng quy định.
- Xuất trình giấy tờ tùy thân để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.
- Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để giấy tờ tùy thân lên mặt bàn để các giám thị và các thành viên Hội đồng thi tuyển kiểm tra.
- Chỉ được mang vào phòng thi bút viết; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, máy tính bảng, máy quay phim và các phương tiện thông tin khác; các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi cho phép).
- Chỉ được sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi. Phải ghi đầy đủ các mục quy định trong giấy làm bài thi. Mỗi tờ giấy thi phải có đủ chữ ký của 02 giám thị phòng thi, bài thi không có đủ chữ ký của 02 giám thị là không hợp lệ.
- Chỉ được sử dụng giấy nháp được phát, có chữ ký của Giám thị phòng thi.
- Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh, màu đen hoặc màu tím.
- Trừ phần ghi bắt buộc trên phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh, tên cơ quan, đơn vị hoặc các dấu hiệu khác lên bài thi.
- Giữ trật tự và không được hút thuốc trong phòng thi.
- Không được trao đổi với người khác dưới mọi hình thức trong thời gian thi.
- Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi.
- Trường hợp cần viết lại thì gạch ngang phần đã viết trong bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).
- Chỉ được ra ngoài phòng thi khí đã hết một nửa thời gian làm bài và phải được sự đồng ý của giám thị phòng thi. Không giải quyết cho người dự thi ra ngoài phòng thi đối với môn thi có thời gian từ 60 phút trở xuống.
- Trong thời gian không được ra ngoài phòng thi theo quy định tại Khoản 13 Điều này, nêu thí sinh đau, ốm bất thường thì phải báo cáo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng ban Coi thi xem xét, giải quyết.
- Ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi ngay khi giám thị tuyên bố hết thời gian làm bài thi. Phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký vào danh sách nộp bài thi. Trường hợp không làm được bài, người dự thi cũng phải nộp lại giấy thi.
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển Kiểm sát viên phải đạt từ bao nhiêu điểm trở lên?
Căn cứ theo Điều 20 Quy chế thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân Ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định điều kiện của người trúng tuyển như sau:
Người trúng tuyển
1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ các bài thi theo quy định tại Điều 16 Quy chế này;
b) Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên;
c) Có kết quả thi tuyển cao hơn (lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp) trong phạm vi chỉ tiêu Kiểm sát viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi.
2. Trường hợp có 02 người trở lên có tổng điểm thi tuyển bằng nhau thì người có điểm bài thi viết cao hơn là người trúng tuyển. Trường hợp điểm bài thi viết bằng nhau thì người có thời gian công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân dài hơn là người trúng tuyển. Nếu có thời gian công tác bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định.
3. Không bảo lưu kết quả thi.
Theo đó, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển Kiểm sát viên thì mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên. Tuy nhiên, cần lưu ý việc xác định người trúng tuyển sẽ được xét theo thứ tự từ cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu Kiểm sát viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?