Người lạm dụng quyền hạn nhận hối lộ số tiền trên 1.000.000.000 đồng (1 tỷ) thì có bị tử hình hay không?
Người lạm dụng quyền hạn nhận hối lộ số tiền trên 1.000.000.000 đồng (1 tỷ) thì có bị tử hình hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội nhận hối lộ như sau:
Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá trên 1.000.000.000 đồng trở lên cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích thì có thể bị tử hình.
Do đó, người lạm dụng quyền hạn nhận hối lộ số tiền trên 1.000.000.000 đồng (1 tỷ) có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình.
Người lạm dụng quyền hạn nhận hối lộ số tiền 1.000.000.000 đồng (1 tỷ) thì có bị tử hình hay không? (Hình từ Internet)
Người phạm tội nhận hối lộ có thể nộp lại tiền nhận hối lộ để thoát án tử hình hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định tử hình như sau:
Tử hình
...
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
...
Và, căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP quy định nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ cụ thể như sau:
Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ
....
2. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
...
Như vậy, theo các quy định được trích dẫn trên thì người phạm tội nhận hối lộ sẽ không chịu hình phạt tử hình khi:
- Nộp lại ít nhất 3/4 tài sản đã nhận hối lộ;
- Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Do đó, trường hợp người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền nhận và hợp tác tích tực với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn có thể không kết án tử hình.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ là bao lâu?
Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về phân loại tội phạm như sau:
Phân loại tội phạm
...
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Theo đó, dấu hiệu để xác định thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gồm:
- Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn;
- Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là từ trên 15 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm với khung cao nhất là tử hình thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ có thể lên tới 20 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?