Người làm lây lan dịch bệnh bạch hầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính?
Bệnh bạch hầu có phải là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh hay không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về các bệnh truyền nhiễm như sau:
Phân loại bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
...
b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
...
Như vậy, bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm nhóm B thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Người làm lây lan dịch bệnh bạch hầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính? (Hình từ Internet)
Người làm lây lan dịch bệnh bạch hầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính?
Căn cứ Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, người làm lây lan dịch bệnh bạch hầu có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi có những hành vi sau đây:
(1) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
(2) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
(3) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Ngoài ra, người phạm tội do làm lây lan dịch bệnh bạch hầu có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này hoặc bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh bạch hầu - bệnh truyền nhiễm nhóm B là hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Do đó, sẽ không xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi làm lây lan dịch bệnh bạch hầu mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.
Người nhiễm bệnh bạch hầu nhưng không khai báo sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:
Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Như vậy, người nhiễm bệnh bạch hầu mà cố tình che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trong trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là mẫu nào? Có phải chứng thực hợp đồng không?
- Biện pháp kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi truyền thống nhập khẩu? Nội dung kiểm tra gồm những gì?
- Diện tích tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất được xác định như thế nào?
- Kịch bản tổng kết chi hội phụ nữ cuối năm 2024 ngắn gọn? Tổng kết công tác Hội phụ nữ năm 2024 ngắn gọn?
- Cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không được sử dụng thông tin nào trên môi trường mạng?