Người lao động cần phải làm gì khi công ty nợ tiền lương? Công ty nợ tiền lương thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tiền lương được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
"1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau."
NLĐ cần làm gì khi công ty nợ tiền lương? (Hình từ Internet)
Người lao động cần phải làm gì khi công ty nợ tiền lương?
Khi không được trả tiền lương hoặc được trả nhưng không đủ, không đúng thời hạn, người lao động có thể sử dụng một trong các cách sau đây để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong trong quan hệ lao động đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận.
Nếu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và công ty đồng ý giải quyết quyền lợi cho người lao động thì đây là cách tối ưu, nhanh chóng và ít tốn kém nhất.
Tuy nhiên, nếu công ty đã cố tình không trả tiền lương thì việc giải quyết sẽ trở nên khá khó khăn.
Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó.
Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Cách 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động 2019).
Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau.
Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
Cách 4: Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động
Theo Điều 189 Bộ luật Lao động 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động.
Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.
Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cách 5: Khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.
Công ty không trả tiền lương đầy đủ cho người lao động sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương như sau:
"2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
[...] 5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;"
Và mức phạt này áp dụng đối với cá nhân còn tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?