Nguyên tắc vận hành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định như thế nào? Doanh nghiệp có được quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động đầu tư vào trái phiếu không?
- Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện là gì?
- Nguyên tắc vận hành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định như thế nào?
- Doanh nghiệp có được sử dụng quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động đầu tư vào trái phiếu không?
- Trường hợp nào doanh nghiệp phải đền bù cho người tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện?
- Quy trình đền bù người tham gia quỹ hưu trí được thực hiện như thế nào?
Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện là gì?
Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
7. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể hiểu, bảo hiểm hưu trí bổ sung hay bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện là một dạng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí bắt buộc của bảo hiểm xã hội để giúp người lao động tiết kiệm và tự tạo lập quỹ hưu trí thông qua các hoạt động đầu tư do luật định.
Nguyên tắc vận hành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định như thế nào?
Theo Điều 4 Nghị định 88/2016/NĐ-CP xác định nguyên tắc vận hành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện như sau:
– Việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động và cá nhân, người sử dụng lao động (đóng góp cho người lao động) trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
– Khoản đóng góp của người tham gia quỹ bao gồm cả Khoản đóng góp của người sử dụng lao động (nếu có) được quản lý theo từng tài Khoản hưu trí cá nhân.
– Người tham gia quỹ có quyền sở hữu đối với tài Khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định này. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản quỹ hưu trí phải được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, người sử dụng lao động và các tài sản quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
– Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch.
– Quỹ hưu trí phải đảm bảo đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định này và Điều lệ quỹ hưu trí.
– Mức chi trả hưu trí được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả theo quy định tại Điều 18 Nghị định 88/2016/NĐ-CP.
Doanh nghiệp có được sử dụng quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động đầu tư vào trái phiếu không?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 88/2016/NĐ-CP quy định về việc đầu tư quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện như sau:
Đầu tư quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải quy định cụ thể chính sách đầu tư (bao gồm cơ cấu và tiêu chuẩn các tài sản đầu tư) tại Điều lệ quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quyết định việc đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại Điều lệ quỹ, chính sách đầu tư của quỹ và các quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
3. Các loại tài sản mà quỹ hưu trí được đầu tư bao gồm:
a) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ Điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại Điều lệ quỹ hưu trí;
b) Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương;
c) Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán theo Điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại Điều lệ quỹ hưu trí.
4. Tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả Khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.
5. Quỹ hưu trí không được gửi tiền tại doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí hoặc người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.
Chiếu theo quy định này, doanh nghiệp chỉ được phép đầu tư quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện vào các hạng mục được liệt kê trên.
Trường hợp đầu tư vào trái phiếu phải đảm bảo đó là trái phiếu do Chính phủ ban hành, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc trái phiếu chính quyền địa phương, ngoài các trái phiếu đã liệt kê, doanh nghiệp không được phép đầu tư vào bất kỳ loại trái phiếu nào khác.
Trường hợp nào doanh nghiệp phải đền bù cho người tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện?
Các trường hợp doanh nghiệp phải đền bù cho người lao động khi tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP bao gồm:
– Thực hiện đầu tư không đúng với quy định tại Nghị định này hoặc chính sách đầu tư của quỹ hưu trí quy định tại Điều lệ quỹ;
– Xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;
– Phân bổ kết quả đầu tư và xác định sai giá trị tài Khoản hưu trí cá nhân.
Mức đền bù cho người tham gia quỹ được xác định trên cơ sở thiệt hại phát sinh cho người tham gia quỹ.
Quy trình đền bù người tham gia quỹ hưu trí được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP quy định về quy trình thực hiện đền bù như sau:
Đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ
...
3. Quy trình đền bù cho người tham gia quỹ hưu trí:
a) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;
b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thông báo cho ngân hàng giám sát về mức thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;
c) Ngân hàng giám sát kiểm tra, xác nhận giá trị thiệt hại phát sinh trên cơ sở tính toán của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
d) Ngân hàng giám sát và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thống nhất về giá trị thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ hưu trí;
đ) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thanh toán tiền đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ hưu trí.
Ngoài ra ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân chịu trách nhiệm liên đới với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ khi xảy ra các thiệt hại do sai sót của từng tổ chức này.
Đồng thời, việc bồi thường thiệt hại cho người tham gia quỹ phải được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thuyết minh cụ thể tại báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí, trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do, mức độ ảnh hưởng, số lượng người tham gia quỹ bị ảnh hưởng đã được đền bù, mức đền bù cho người tham gia quỹ, hình thức đền bù, phương thức thanh toán và các hoạt động khắc phục khác (nếu có).
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, phân bổ kết quả đầu tư và xác định sai giá trị tài Khoản hưu trí cá nhân hoặc đầu tư sai với quy định đã phân tích ở trên thì doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?