Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam thì có giữ luôn tư cách đại diện của công ty này hay không?
Nhà nước có phải là đại diện chủ sở hữu của Công ty Mua bán nợ Việt Nam không?
Đại diện chủ sở hữu Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quy định tại Điều 7 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 42/2021/TT-BTC (sau đây gọi tắt là Điều lệ Công ty Mua bán nợ Việt Nam) cụ thể như sau:
(1) Bộ Tài chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo quy định tại Điều 33 Nghị định 129/2020/NĐ-CP và Điều 13 Điều lệ Công ty Mua bán nợ Việt Nam.
(2) Hội đồng thành viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại Công ty Mua bán nợ Việt Nam và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam .
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 33 Nghị định 129/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:
"1. Quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại DATC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DATC tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Mục 2 Chương II Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước."
Có thể thấy Nhà nước không phải là đại diện chủ sở hữu của Công ty Mua bán nợ Việt Nam mà căn cứ vào quy định trên thì:
- Bộ Tài chính thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam
- Hội đồng thành viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Ai là người đại diện theo pháp luật của Công ty Mua bán nợ Việt Nam?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Điều lệ Công ty mua bán nợ Việt Nam, người đại diện theo pháp luật của Công ty mua bán nợ Việt Nam là Tổng Giám đốc.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Điều lệ Công ty mua bán nợ Việt Nam, người đại diện theo pháp luật của Công ty mua bán nợ Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật Công ty Mua bán nợ Việt Nam cụ thể như sau:
"Điều 12. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
b) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
5. Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
7. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật."
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của Công ty Mua bán nợ Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp nói chung:
"Điều 13. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy, Nhà nước không phải là đại diện chủ sở hữu của Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Đại diện chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật của Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quy định cụ thể:
- Bộ Tài chính thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam
- Hội đồng thành viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại Công ty Mua bán nợ Việt Nam
- Người đại diện theo pháp luật của Công ty mua bán nợ Việt Nam là Tổng Giám đốc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?