Nhà ở trả chậm là gì? Các bên thỏa thuận mua bán nhà ở trả chậm có phải ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở không?
Nhà ở trả chậm là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào giải thích khái niệm nhà ở trả chậm là gì.
Tuy nhiên, có thể hiểu nhà ở trả chậm là hình thức mua nhà mà người mua không cần thanh toán toàn bộ giá trị căn nhà ngay lập tức mà được trả dần theo từng kỳ hạn (thường là hàng tháng hoặc hàng năm) theo thỏa thuận với bên bán hoặc đơn vị tài trợ vốn (như ngân hàng, tổ chức tín dụng).
Các loại nhà ở trả chậm phổ biến hiện nay bao gồm:
- Nhà ở thương mại
- Nhà ở xã hội
Lưu ý: Thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo!
Nhà ở trả chậm là gì? Các bên thỏa thuận mua bán nhà ở trả chậm có phải ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở không? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 1 Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về mua trả chậm như sau:
Mua trả chậm, trả dần
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua.
Ngoài ra, bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các bên thỏa thuận mua bán nhà ở trả chậm có phải ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 167 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Mua bán nhà ở trả chậm, trả dần
1. Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở. Trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.
2. Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.
Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.
3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì các bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.
Như vậy, các bên thỏa thuận mua bán nhà ở trả chậm cần phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở.
Ngoài ra, trong thời gian trả chậm thì bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật Nhà ở 2023 hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Pháp luật quy định đối tượng nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau:
Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước;
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này.
2. Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
3. Chính phủ quy định cụ thể giấy tờ chứng minh về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở quy định tại Điều này.
Theo đó, hiện nay pháp luật quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân trong nước;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Nhà ở 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu thông báo phát hành hóa đơn do Cục thuế đặt in là mẫu nào? Nội dung thông báo phát hành hóa đơn gồm những gì?
- Nhóm chỉ tiêu thống kê về phương tiện giao thông đường thủy nội địa theo Thông tư 26 như thế nào?
- Tư lệnh quân đoàn 34 là ai theo quy định hiện nay? Tư lệnh Quân đoàn 34 có những nghĩa vụ và trách nhiệm gì?
- Bệnh hạ cam là gì? Các thuốc được khuyến cáo điều trị bệnh hạ cam theo quy định pháp luật hiện nay là gì?
- Hợp đồng dự án PPP thỏa thuận về việc gì? Nội dung trong hợp đồng dự án PPP có bao gồm thời hạn hợp đồng?