Nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản có vi phạm pháp luật không? Có phải công khai số tiền công đức đã nhận không?
Thế nào là tiền công đức?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức:
a) Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản;
b) Bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
...
Theo quy định vừa nêu trên thì tiền công đức được hiểu là các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân dành cho các chùa, đền và các di tích, tín ngưỡng văn hóa dưới hình thức như:
- Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản;
- Bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản có vi phạm pháp luật không? Có phải công khai số tiền công đức đã nhận không? (Hình từ Internet)
Tiếp nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản có vi phạm pháp luật không?
Theo Điều 9 Thông tư 04/2023/TT-BTC thì việc tiếp nhận tiền công đức có thể thực hiện theo các hình thức sau:
(1) Tiếp nhận theo hình thức chuyển khoản:
Nơi tiếp nhận tiền công đức cần mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
(2) Tiếp nhận theo hình thức mở sổ ghi tiếp nhận:
- Đối với tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
- Đối với tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
- Đối với tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Như vậy, việc tiếp nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản không vi phạm pháp luật.
Có bắt buộc phải công khai số tiền công đức đã nhận được hay không?
Tại Điều 18 Thông tư 04/2023/TT-BTC có quy định về việc tổ chức thực hiện như sau:
Tổ chức thực hiện
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát văn bản quy định của địa phương liên quan đến quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm:
a) Công khai việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nếu tổ chức, cá nhân này có yêu cầu;
b) Cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Như vậy, theo quy định hiện nay thì không bắt buộc tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích phải công khai việc thu chi các khoản tiền công đức.
Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích có yêu cầu thì tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích phải thực hiện công khai việc thu, chi các khoản tiền công đức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?