Nhập khẩu kén tằm có thuộc diện phải kiểm dịch thực vật không? Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật là gì?
Kén tằm có thuộc diện phải kiểm dịch thực vật không?
Căn cứ Điều 1 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định như sau:
"Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
..
4. Kén tằm, gốc rũ kén tằm và cánh kiến."
Như vậy kén tằm thuộc danh mục phải kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Khi nhập khẩu kén tằm vào Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục sau:
- Thực hiện kiểm dịch thực vật
- Làm thủ tục hải quan
Nhập khẩu kén tằm có thuộc diện phải kiểm dịch thực vật không? (Hình từ Internet)
Thủ tục kiểm dịch thực vật được quy định ra sao?
Về thủ tục kiểm dịch thực vật căn cứ theo Điều 6 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT), bao gồm:
(1) Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT).
(2) Bản sao chụp hoặc bản điện tử hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp hoặc bản điện tử, phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
(3) Bản chính hoặc bản điện tử hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép).
Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu và thủ tục hải quan được quy định ra sao?
Theo Điều 7 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT), trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu quy định như sau:
- Đăng ký kiểm dịch thực vật:
Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT, chủ vật thể nộp (gửi) 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc qua bưu chính hoặc qua Cơ chế một cửa Quốc gia (trực tuyến).
- Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
- Kiểm tra vật thể:
+ Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
Kiểm tra sơ bộ: Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể;
Kiểm tra chi tiết: Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại.
+ Giám định sinh vật gây hại
Cơ quan kiểm dịch thực vật gửi mẫu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại thu được cho Tổ chức giám định sinh vật gây hại. Tổ chức giám định sinh vật gây hại thực hiện giám định sinh vật gây hại và trả kết quả cho cơ quan kiểm dịch thực vật.
- Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
+ Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT) trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.
+ Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.
+ Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra (theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT).
Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
Về thủ tục hải quan:
Sau khi có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu thì thực hiện thủ tục hải quan thông thường theo quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC bao gồm:
- Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
- Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
- Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật: 01 bản chụp.
- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu 01 bản chính.
- Tờ khai trị giá.
- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Như vậy, anh chuẩn bị hồ sơ trên và Nộp hồ sơ, nộp thuế và tiến hành làm thủ tục thông quan cho hàng hoá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?