Nhiều người trong một xã đến khiếu nại về cùng một nội dung thì có cần làm đơn không? Ai là người đại diện trình bày nội dung cần khiếu nại?
Nhiều người trong cùng một xã đến khiếu nại về cùng một nội dung thì có cần làm đơn không?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 có quy định về hình thức khiếu nại như sau:
"Điều 8. Hình thức khiếu nại
1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
c) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
5. Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này."
Theo đó, trường hợp nhiều người ở xã bạn đến khiếu nại về cùng một nội dung mà không chuẩn bị đơn thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định của pháp luật.
Khiếu nại (Hình từ Internet)
Nhiều người cùng khiếu nại về mội nội dung thì ai sẽ là người đại diện trình bày?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 124/2020/NĐ-CP về cử người đại diện trình bày khi có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung như sau:
"Điều 6. Cử đại diện trình bày khi có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung
1. Khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.
2. Việc cử đại diện được thực hiện như sau:
a) Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện;
b) Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người đại diện."
Như vậy, trong trường hợp nhiều người ở xã bạn cùng đến khiếu nại về một nội dung thì chính những người đó phải thống nhất cử ra một người đại diện để trình bày nội dung cần khiếu nại.
Tùy vào số lượng người khiếu nại cụ thể mà số người đại diện được cử cũng tương ứng phù hợp như trên.
Văn bản cử người đại diện khiếu nại gồm những nội dung gì?
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và phải cử ra người đại diện, việc cử người đại diện phải được lập bằng văn bản theo quy định tại Điều 7 Nghị định 124/2020/NĐ-CP gồm những nội dung cụ thể như sau:
"Điều 7. Văn bản cử người đại diện
1. Việc cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 8 của Luật Khiếu nại và được thể hiện bằng văn bản.
2. Văn bản cử người đại diện khiếu nại phải có những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Họ, tên, địa chỉ của đại diện người khiếu nại;
c) Nội dung, phạm vi được đại diện;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của những người khiếu nại;
đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có).
3. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đại diện của mình."
Như vậy, trong trường hợp, nếu những người đi khiếu nại thống nhất cử bố bạn lên làm người đại diện thì phải lập văn bản cử người đại diện bao gồm những nội dung cụ thể như trên.
Đồng thời, khi bố bạn trở thành người đại diện đúng theo quy trình hợp pháp thì cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đại diện của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty thông tin tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý có phải tổ chức lại công ty thông tin tín dụng không?
- Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được thu thập từ những nguồn nào?
- Được từ chối kết quả trúng đấu giá không? Nếu được từ chối kết quả trúng đấu giá thì ai là người trúng đấu giá?
- Lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm có là lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã hay không theo quy định?
- Kho ngoại quan là kho, bãi lưu trữ hàng hóa chờ xuất khẩu hay chờ nhập khẩu theo quy định pháp luật?