Những tổ chức nào được kinh doanh dịch vụ tư vấn du học? Hồ sơ và trình tự, thủ tục để tổ chức như thế nào? Xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động tư vấn du học ra sao?
- Có những tổ chức nào được mở kinh doanh tư vấn du học?
- Điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như thế nào?
- Hồ sơ tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm những gì?
- Thủ tục để tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm những gì?
- Xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động tư vấn du học ra sao?
Có những tổ chức nào được mở kinh doanh tư vấn du học?
Căn cứ theo Điều 106 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Tổ chức kinh doanh tư vấn du học bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp
- Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
- Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
(2) Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm:
- Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học
- Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật
- Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học
- Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập
- Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật
- Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như thế nào?
Căn cứ Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (khoản 1 và khoản 2 Điều này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như sau:
"Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Hồ sơ tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm những gì?
Tại khoản 2 Điều 108 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) hồ sơ tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; với những nội dung chủ yếu gồm: Mục tiêu, nội dung hoạt động; khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài; kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện; phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro đối với người được tư vấn du học
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học; bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
Thủ tục để tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm những gì?
Theo khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 108 Nghị định 46/2017/NĐ-CP để được thành lập tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cần phải tuân theo các trình tự, thủ tục, cụ thể như sau:
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho tổ chức đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
- Trình tự thực hiện:
+ Bước 1: Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
+ Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.
- Trong quá trình hoạt động, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trình tự điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều này.
Xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động tư vấn du học ra sao?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm đối với những hành vi liên quan đến hoạt động tư vấn du học, cụ thể như sau:
"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không công khai thông tin liên quan đến cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc tình trạng kiểm định hoặc công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục nước ngoài, chương trình giáo dục cho người có nhu cầu đi du học;
b) Công khai không đúng sự thật về tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; thông tin liên quan đến cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc tình trạng kiểm định hoặc công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục nước ngoài, chương trình giáo dục cho người có nhu cầu đi du học;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tư vấn, đưa người đi du học đến các cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chưa được kiểm định hoặc công nhận chất lượng tại nước sở tại;
b) Tư vấn, đưa người đi du học đến các cơ sở giáo dục khi chưa ký hợp đồng với cơ sở giáo dục nước ngoài;
c) Không ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người có nhu cầu đi du học;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với người học đã được tư vấn và đưa ra nước ngoài học tập.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ dịch vụ tư vấn du học.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động tư vấn du học từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2, khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và các điểm a, b khoản 3 Điều này."
Tuy nhiên, theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, trường hợp vi phạm về hoạt động tư vấn du học thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bị phạt tiền theo mức phạt nêu trên. Ngoài ra, có thể phải áp dụng các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?