Nợ chính quyền địa phương là gì? Việc quản lý đối với khoản nợ này được pháp luật quy định như thế nào?
Nợ chính quyền địa phương là gì, do ai vay, ai trả?
Nợ chính quyền địa phương
Khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định về khái niệm nợ chính quyền địa phương như sau:
"3. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay."
Khoản nợ trên được vay theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Quản lý nợ công 2017:
- Đối với phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Đề án phát hành trái phiếu, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và gửi lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính về điều kiện, điều khoản của trái phiếu trước khi tổ chức phát hành;
- Đối với vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
- Đối với vay ngân quỹ nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị vay vốn kèm theo các hồ sơ liên quan, gửi Bộ Tài chính quyết định;
- Đối với vay từ các nguồn tài chính khác trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 21 Nghị định 94/2018/NĐ-CP quy định về việc tổ chức công tác trả nợ đối với khoản nợ chính quyền địa phương như sau:
"2. Đối với nợ chính quyền địa phương:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để trả nợ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn."
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành vay nợ chính quyền địa phương và đồng thời tổ chức thực hiện công tác trả nợ theo quy định của pháp luật.
Hình thức và nguyên tắc vay nợ chính quyền địa phương là gì?
Hình thức vay đối với khoản nợ chính quyền địa phương được quy định tại Điều 51 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:
"Điều 51. Hình thức vay của chính quyền địa phương
1. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước.
2. Vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
3. Vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước."
Khoản nợ chính quyền địa phương được hình thành dựa trên nguyên tắc quy định tại Điều 50 Luật Quản lý nợ công 2017:
Điều 50. Nguyên tắc vay của chính quyền địa phương
1. Vay cho bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
2. Bảo đảm mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài."
Việc vay nợ của chính quyền địa phương phải đảm bảo được thực hiện dựa trên những nguyên tắc và hình thức nêu trên theo dúng quy định của pháp luật.
Chính quyền địa phương tiến hành khoản vay này nhằm mục đích gì, dựa trên điều kiện nào để được vay?
Mục đích vay của chính quyền địa phương được quy định tại Điều 49 Luật Quản lý nợ công 2017:
"1. Bù đắp bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước."
Điều kiện để chính quyền địa phương tiến hành vay nợ được quy định tại Điều 52 Luật Quản lý nợ công 2017, gồm:
(1) Vay trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
- Có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công;
- Trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu;
- Trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
(2) Vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này, gồm:
- Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Chương trình, dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản này có sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
- Không có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày;
- Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại không vượt quá mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Ngân sách địa phương cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Như vậy, nợ chính quyền địa phương là một loại nợ công. Mục đích, điều kiện, hình thức và nguyên tắc để chính quyền địa phương thực hiện khoản vay này được quy định cụ thể theo luật định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Công trình xây dựng là gì? Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn là hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng?
- Điều lệ Đảng là gì? 06 nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?