Nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được xác định như thế nào? Điều kiện để ly hôn với người mất tích thực hiện ra sao?
Nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được xác định như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thì nếu không biết nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Đối chiếu quy định tai Điều 11 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú là:
"Điều 11. Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này."
Theo đó, trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định thế nào là nơi cư trú cuối cùng, tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, nơi cư trú cuối cùng được hiểu là nơi cuối cùng mà nguyên đơn, người yêu cầu biết được người đã biệt tích thường xuyên sinh sống hoặc sinh sống tại đó trước khi biệt tích.
* Lưu ý:
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Điều kiện để ly hôn với người mất tích thực hiện ra sao?
Điều kiện tuyên bố người mất tích được quy định như thế nào?
Trường hợp Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện thì dì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích.
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp:
Thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Trong đó, thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.
Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Do đó, dì bạn có thể làm Đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Điều 381 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Sau khi thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng của dì bạn là người mất tích nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Điều kiện để ly hôn với người mất tích thực hiện ra sao?
Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là người mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Tại khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Như vậy, sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố chồng của dì bạn là người mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết cho dì của bạn ly hôn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu tổng hợp kết quả đánh giá xếp loại chất lượng công chức, viên chức và người lao động theo Quyết định 2188?
- Mẫu Báo cáo kết quả công tác lý luận chính trị mới nhất? Đào tạo lý luận chính trị gồm có mấy cấp theo quy định?
- Chức danh cán bộ công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Việt Nam? Cán bộ công đoàn cấp cơ sở phải có đạo đức như thế nào?
- Đoàn viên bị mất việc làm được tạm dừng sinh hoạt công đoàn trong bao lâu? Đoàn viên chuyển sinh hoạt công đoàn phải thông báo với ai?
- Hoạt động cho thuê lại lao động là gì? Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo với cơ quan nào về hoạt động cho thuê lại?