Nội dung quản lý nhà nước về nhà ở có bao gồm quản lý hồ sơ nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở?
Nội dung quản lý nhà nước về nhà ở có bao gồm quản lý hồ sơ nhà ở hay không?
Theo quy định tại Điều 189 Luật Nhà ở 2023 thì nội dung quản lý nhà nước về nhà ở bao gồm 11 nội dung sau đây:
(1) Xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
(2) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về nhà ở, cơ chế, chính sách phát triển và quản lý nhà ở.
(3) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phân cấp nhà ở và quản lý chất lượng nhà ở; phân hạng nhà chung cư.
(4) Thẩm định nội dung liên quan đến nhà ở trong quá trình quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
(5) Quản lý hồ sơ nhà ở; quản lý quỹ nhà ở thuộc tài sản công; quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
(6) Điều tra, thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở.
(7) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực nhà ở.
(8) Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển và quản lý nhà ở.
(9) Quản lý hoạt động dịch vụ công về nhà ở; ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở thuộc tài sản công.
(10) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà ở.
(11) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhà ở.
Như vậy, quản lý hồ sơ nhà ở là một trong các nội dung quản lý nhà nước về nhà ở theo quy định pháp luật.
Nội dung quản lý nhà nước về nhà ở có bao gồm quản lý hồ sơ nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở? (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở tại đâu?
Căn cứ quy định tại Điều 190 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương.
Đối chiếu theo quy định trên, có thể thấy Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương.
Việc phát triển, quản lý nhà ở và sử dụng nhà ở phải đảm bảo những yêu cầu gì?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Nhà ở 2023, việc phát triển, quản lý nhà ở và sử dụng nhà ở phải đảm bảo những yêu cầu sau đây:
(1) Phù hợp với nhu cầu về nhà ở của các đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, vùng, miền trong từng thời kỳ.
(2) Phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn lực; tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở.
(3) Tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng xây dựng đối với nhà ở theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh, môi trường, an toàn trong quá trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
Có khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đất đai.
(4) Đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình, diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại đô thị loại I, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.
(5) Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê.
Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở;
+ Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai;
+ Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê.
(6) Căn cứ nhu cầu về nhà ở và điều kiện của địa phương, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của Luật Nhà ở 2023.
(7) Đối với khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thì việc phát triển nhà ở phải phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong tục, tập quán của từng dân tộc, điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền; từng bước xóa bỏ việc du canh, du cư, bảo đảm phát triển nông thôn bền vững; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, nhà ở nhiều tầng.
(8) Việc quản lý, sử dụng nhà ở phải đúng mục đích, công năng sử dụng, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tuân thủ quy định về quản lý hồ sơ nhà ở, bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở có liên quan.
(9) Đáp ứng yêu cầu khác theo quy định của Luật Nhà ở 2023 đối với việc phát triển từng loại hình nhà ở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giáng sinh bắt nguồn từ đâu? Ông già Noel bắt nguồn từ đâu? Lễ Giáng sinh bắt nguồn từ nước nào?
- Mẫu 01/NCNN khai đăng ký thuế dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài mới nhất? Hồ sơ đăng ký thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài?
- Công ty thưởng Tết bằng vàng có được không? Nhân viên có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
- Tổ chức Lễ dâng hương dâng hoa trong Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
- Cách viết đơn xin vào Đảng năm 2025 chuẩn nhất? Mẫu đơn xin vào đảng viết tay mẫu 1-KNĐ mới nhất năm 2025?