Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn là gì? Nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các nguyên tắc như thế nào?
Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn là gì?
Tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giới thiệu về nông nghiệp hữu cơ như sau:
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học.
Trong đó nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.
Đồng thời phải đạt được các mục tiêu như sau:
- Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống;
- Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất;
- Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại;
- Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh;
- Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...);
- Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh;
- Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.
Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn là gì? Nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các nguyên tắc như thế nào? (Hình từ Internet)
Nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các nguyên tắc như thế nào?
Tại Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 quy định 4 nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ gồm:
- Nguyên tắc sức khỏe
Nông nghiệp hữu cơ cần duy trì và nâng cao sức khỏe của đất, thực vật, động vật, con người và trái đất như một thực thể thống nhất, trọn vẹn và không tách rời.
- Nguyên tắc sinh thái
Nông nghiệp hữu cơ cần dựa trên các hệ sinh thái sống và các chu trình tự nhiên, vận hành phù hợp với chúng, tuân thủ các quy tắc của chúng và giúp bảo vệ tính toàn vẹn và hài hòa của chúng.
- Nguyên tắc công bằng
Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên các mối quan hệ đảm bảo tính công bằng đối với môi trường chung và đảm bảo cơ hội sống cho mọi sinh vật.
- Nguyên tắc cẩn trọng
Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý một cách thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của các thế hệ hiện tại, tương lai và của môi trường.
Yêu cầu đối với khâu sản xuất nông nghiệp hữu cơ là gì?
Căn cứ tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 quy định về yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ như sau:
Các yêu cầu
5.1 Sản xuất
5.1.1 Khu vực sản xuất
Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.
Cơ sở phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ dàng nhận diện. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình của cơ sở và điều kiện khí hậu địa phương.
5.1.2 Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ
Sản xuất hữu cơ phải thực hiện giai đoạn chuyển đổi từ sản xuất không hữu cơ. Các hoạt động trong giai đoạn chuyển đổi phải tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ cụ thể.
5.1.3 Duy trì sản xuất hữu cơ
Cơ sở phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục. Không được chuyển đổi qua lại giữa khu vực sản xuất hữu cơ và khu vực sản xuất không hữu cơ, trừ khi có lý do thích hợp để chấm dứt sản xuất hữu cơ trên khu vực đã được chứng nhận hữu cơ và trong những trường hợp yêu cầu chuyển đổi được áp dụng.
5.1.4 Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ
Nếu thực hiện sản xuất hữu cơ và sản xuất không hữu cơ tại cùng một cơ sở thì các hoạt động sản xuất không hữu cơ không được gây ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của khu vực sản xuất hữu cơ. Phải tách biệt khu vực sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ với khu vực sản xuất không hữu cơ, sản phẩm không hữu cơ, ví dụ: dùng các rào cản vật lý, sản xuất các giống khác nhau hoặc bố trí thời vụ sao cho thời điểm thu hoạch là khác nhau, cách thức bảo quản sản phẩm và vật tư, nguyên liệu đầu vào.
5.1.5 Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học
Trong sản xuất hữu cơ, không thực hiện các hoạt động có tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, ví dụ: khu bảo tồn động vật hoang dã, rừng đầu nguồn. Phải duy trì và/hoặc tăng cường đa dạng sinh học đối với các khu vực sản xuất, trong mùa vụ và ở những nơi có thể trồng những cây khác với cây trồng hữu cơ.
5.1.6 Kiểm soát ô nhiễm
Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là các chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh.
Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm việc sử dụng vùng đệm hoặc hàng rào vật lý được nêu trong 5.1.1.
Phải có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm từ thiết bị, dụng cụ, bao gồm việc vệ sinh thiết bị, dụng cụ và lưu hồ sơ. Nếu nghi ngờ có sự ô nhiễm, phải nhận diện và xử lý nguồn gây ô nhiễm. Cần có sự phân tích, đánh giá thích đáng khi nhận diện được nguy cơ cao do sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào không được phép sử dụng.
Sau khi nhận diện được chất thải và chất gây ô nhiễm, phải xây dựng và thực hiện kế hoạch để tránh hoặc giảm chất thải và chất ô nhiễm. Các chất thải trong quá trình sản xuất được thu gom và xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm. Các chất thải hữu cơ được xử lý đúng cách để tái sử dụng, các chất thải không tái sử dụng được xử lý đúng cách tránh gây ô nhiễm cho khu vực sản xuất và môi trường xung quanh.
5.1.7 Các công nghệ không thích hợp
Không sử dụng các công nghệ có hại cho sản xuất hữu cơ.
Không sử dụng mọi sản phẩm, vật tư, nguyên liệu có nguồn gốc GMO ở tất cả các giai đoạn sản xuất hữu cơ.
Không sử dụng bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại.
5.1.8 Các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ
Tiêu chí chung đối với các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ:
- các chất này phù hợp với các nguyên tắc của sản xuất hữu cơ;
- việc dùng các chất này thực sự cần thiết và quan trọng đối với việc sử dụng được dự kiến;
- việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ các chất này không gây ra hậu quả hoặc không góp phần vào các tác động có hại đối với môi trường;
- các chất này ít gây tác động bất lợi nhất đến sức khỏe và chất lượng sống của người hoặc động vật;
- các chất thay thế đã được phê duyệt không có đủ số lượng và/hoặc chất lượng.
Yêu cầu chi tiết và danh mục các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ được nêu trong các tiêu chuẩn cụ thể.
Theo đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tuân thủ các yêu cầu về:
- Khu vực sản xuất
- Quy trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ
- Duy trì sản xuất hữu cơ
- Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ
- Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học
- Kiểm soát ô nhiễm
- Các công nghệ không thích hợp
- Các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?