Nước biển là tài nguyên biển hay tài nguyên nước? Sử dụng nước biển để sản xuất muối có cần phải xin phép hay không?
Nước biển là tài nguyên biển hay tài nguyên nước?
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định tài nguyên biển và hải đảo bao gồm:
Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Cũng theo khoản 1 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2012 có quy định:
Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, nước biển theo quy định pháp luật thuộc tài nguyên nước chứ không thuộc tài nguyên biển.
Nước biển là tài nguyên biển hay tài nguyên nước? (Hình từ Internet)
Sử dụng tài nguyên nước biển để sản xuất muối có cần phải xin phép hay không?
Căn cứ theo Điều 44 Luật Luật Tài nguyên nước 2012 có quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo đó:
Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép:
a) Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;
b) Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
c) Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối;
d) Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;
đ) Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
2. Trường hợp khai thác nước dưới đất quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật này cấp giấy phép trước khi quyết định việc đầu tư.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Theo quy định này thì việc khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối thuộc trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép.
Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước được quy định thế nào?
Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước được quy định tại Điều 4 Luật Tài nguyên nước 2012, điểm a khoản 22 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018:
1. Bảo đảm tài nguyên nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra; hỗ trợ phát triển nguồn nước và phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.
3. Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.
4. Đầu tư và có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt, thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
5. Bảo đảm ngân sách cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?