Ở quê thì có cần tiêm phòng dại cho chó không? Nếu chó cắn người gây thương tích thì chủ phải có chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không?
Ở quê thì có cần tiêm phòng dại cho chó không?
Theo khoản 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BNNPTNT quy định về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi như sau:
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi
1.1. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo loài động vật nuôi như sau:
a) Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục
b) Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;
c) Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng, Nhiệt thán;
d) Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;
đ) Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;
e) Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.
1.2. Căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc điểm dịch tễ và sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ sung bệnh động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin theo quy định tại mục 1.1 của Phụ lục này cho phù hợp.
Theo quy định trên thì bất kể người nuôi chó nào cũng phải có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, không phân biệt ở quê hay ở thành phố.
Việc tiêm phòng bệnh dại cho chó giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh.
Các hành vi vi phạm về việc tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Tiêm phòng dại cho chó (Hình từ internet)
Chủ chó không tiêm phòng dại cho chó thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn như sau:
Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 3 Điều 24, khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân
3. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Như vậy, trường hợp chủ chó không tiêm phòng dại cho chó của mình thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Nếu chó cắn người gây thương tích thì chủ phải có chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chó của mình gây ra hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Và căn cứ theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo những quy định trên thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do đó, khi chó cắn người gây thương tích thì chủ phải có chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chó của mình gây ra.
Một số khoản chi phí cần bồi thường như: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại,...và các khoản chi phí khác theo quy định tại Điều 590 Bộ luật này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?