Phải tự công bố lại sản phẩm khi thay đổi những nội dung gì? Thay đổi xuất xứ thì có cần tự công bố lại sản phẩm hay không?

Cho tôi hỏi sản phẩm thực phẩm khi thay đổi những nội dung gì thì phải thực hiện tự công bố lại sản phẩm vậy? Nếu một sản phẩm có sự thay đổi về xuất xứ có cần tự công bố lại sản phẩm hay không? - Anh Minh Dương (Đồng Nai).

Phải tự công bố lại sản phẩm khi thay đổi những nội dung gì?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm như sau:

Hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm
...
3. Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm tự công bố.
4. Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Theo đó, khi thay đổi một trong những nội dung sau đây thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm:

- Thay đổi về tên sản phẩm;

- Thay đổi về xuất xứ sản phẩm;

- Thay đổi về thành phần cấu tạo sản phẩm.

Trường hợp sản phẩm có những thay đổi khác thì tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và sẽ được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Như vậy, nếu như thực phẩm có sự thay đổi xuất xứ thì bắt buộc phải thực hiện tự công bố lại sản phẩm.

Lưu ý: Những quy định này áp dụng đối với những thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Công bố sản phẩm

Tự công bố sản phẩm (Hình từ Internet)

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự công bố sản phẩm bằng những hình thức nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 155/2018/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 1 Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì trình tự tự công bố sản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:

Hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm
...
2. Việc tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự như sau:
a) Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm (Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận, trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó).
b) Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;

Như vậy, theo quy định nêu trên, hiện nay sẽ có 03 hình thức để tự công bố sản phẩm như sau:

- Phương tiện thông tin đại chúng;

- Trang thông tin điện tử của mình;

- Niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân

Đồng thời, còn phải thực hiện công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm.

+ Nếu chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

Kinh doanh những thực phẩm nào thì phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm?

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP tổ chức, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh những loại thực phẩm sau đây sẽ phải đăng ký bản công bố sản phẩm:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Công bố lại sản phẩm
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Phải tự công bố lại sản phẩm khi thay đổi những nội dung gì? Thay đổi xuất xứ thì có cần tự công bố lại sản phẩm hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công bố lại sản phẩm
Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
20,664 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Công bố lại sản phẩm

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Công bố lại sản phẩm

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào