Phế liệu có được nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất không? Nếu được thì có cần đáp ứng các điều kiện nào theo quy định pháp luật không?
Phế liệu là gì?
Theo khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu định nghĩa về phế liệu như sau:
Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
Phế liệu có được nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất không?
Điều kiện nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất
Tại điểm a khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về phân loại dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, trong đó có bao gồm:
Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, đối với dự án nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thuộc loại dự án nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường cao.
Về đối tượng phải có giấy phép môi trường được quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
“Điều 39. Đối tượng phải có giấy phép môi trường
1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.”
Bên cạnh đó, tại khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về giấy phép môi trường như sau:
Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Dựa vào các quy định trên, dự án nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Bên cạnh việc phải có giấy phép môi trường, chủ đầu tư dự án, cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động của mình.
Cụ thể, Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu như sau: Tổ chức, cá nhân không nhập khẩu phế liệu bị nhiễm bẩn phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch.
Tại Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài như sau:.
- Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
+ Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;
+ Có giấy phép môi trường;
+ Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;
+ Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thủ tục xin Giấy phép môi trường đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu được quy định như thế nào?
* Về căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
- Căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm:
+ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này;
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);
+ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;
+ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+ Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, trường hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các điểm a, b, d và đ khoản này.
- Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:
+ Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
+ Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật này. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;
+ Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm. Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.
- Trường hợp dự án đầu tư hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.
- Giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện hoạt động sau đây:
+ Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
+ Thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
- Trường hợp có thay đổi tên dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc chủ dự án đầu tư, cơ sở thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấy phép môi trường và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép môi trường biết để được cấp đổi giấy phép.
- Kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.
* Về thẩm quyền cấp giấy phép môi trường quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, cụ thể như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
+ Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
+ Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này:
+ Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 của Luật này;
+ Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
+ Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
* Theo Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về nội dung của giấy phép môi trường như sau:
- Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).
- Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:
+ Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;
+ Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;
+ Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
+ Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
+ Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
- Yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
+ Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;
+ Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
+ Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
+ Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường;
+ Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường (nếu có).
- Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:
+ 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;
+ 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
+ 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
+ Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).
* Hồ sơ cấp giấy phép môi trường
Chủ đầu tư dự án, cơ sở muốn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất chuẩn bị hồ sơ theo khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;
- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
* Trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy phép môi trường được quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 như sau:
- Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Luật này. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm tra thực tế thông tin dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường.
Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo kết quả được thực hiện trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở;
- Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường;
- Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường.
* Thời hạn cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:
- Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
* Việc cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
- Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên cơ sở thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra theo quy định của Chính phủ.
- Đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong thành phần hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, đoàn kiểm tra phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó.
- Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.
Ngoài ra, đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường có tiến hành công việc bức xạ thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử được quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Như vậy, việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất của chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc dự án nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường cao nên phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường. Đồng thời, khi tiến hành hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thì chủ đầu tư, cơ sở thực hiện dự án phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường đối với hoạt động này theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?
- Lời cảm ơn cuối năm dành cho khách hàng, đối tác ngắn gọn, ý nghĩa? Để đạt được sự thỏa mãn của khách hàng, trước tiên cần làm gì?
- Bài tham luận về Hội Cựu chiến binh ngắn gọn 2024? Bài tham luận của chi hội Cựu chiến binh năm 2024?