Phiếu xác nhận giao dịch tại Ngân hàng có là giấy tờ có giá không? Giấy tờ có giá là loại giấy tờ được quy định như thế nào?
Giấy tờ có giá là loại giấy tờ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 thì:
Giải thích từ ngữ
...
8. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Quy định tại Điều 13 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:
Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi
Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng việc mô tả tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về giấy tờ có giá, chứng khoán, ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 17/01/2023) quy định về giấy tờ có giá như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ.
...
Như vậy, có thể thấy giấy tờ có giá là một bằng chứng xác nhận nghĩa vụ giữa người sở hữu giấy tờ có giá với bên phát hành giấy tờ có giá.
Trước đây, giấy tờ có giá cũng được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN (Hết hiệu lực từ 17/01/2023) như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
...
Phiếu xác nhận giao dịch tại Ngân hàng có là giấy tờ có giá không? (Hình từ Internet)
Phiếu xác nhận giao dịch tại Ngân hàng có là giấy tờ có giá không?
Căn cứ vào nội dung giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX năm 2011 có liệt kê một số loại giấy tờ có giá như sau:
1. Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:
a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;
d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);
đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…
2. Theo các quy định trên đây thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết."
Như vậy thì chỉ những loại giấy tờ được nêu trên mới được pháp luật thừa nhận là giấy tờ có giá. Phiếu xác nhận giao dịch không phải giấy tờ có giá.
Sổ tiết kiệm được xếp vào loại giấy tờ gì?
Trước hết, các giao dịch với ngân hàng được hiểu là giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và cũng được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành.
Tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai."
Sổ tiết kiệm hay tiền gửi có kỳ hạn là một loại tài sản và người sở hữu nó có quyền theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 là:
Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Tuy nhiên, như bài phân tích ở trên thì sổ tiết kiệm cũng không được xem là giấy tờ có giá mà nó chỉ là một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản mà tài sản đó được ghi cụ thể trong phiếu xác nhận, sổ tiết kiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?