Phim loại K là gì? Trẻ em có được xem phim loại K không? 07 Nội dung tiêu chí phân loại phim đối với phim loại K là gì?
Phim loại K là gì?
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 về phân loại phim như sau:
Phân loại phim
1. Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:
a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
b) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
c) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
d) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.
2. Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Và theo Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL hướng dẫn phân loại phim như sau:
Mức phân loại phim
Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại quy định tại Điều 3 Thông tư này được xếp từ thấp đến cao như sau:
1. Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
2. Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
3. Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
4. Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
5. Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
6. Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Như vậy, phim loại K được hiểu là phim phổ biến dành cho mọi độ tuổi người xem, trong đó người xem dưới 13 tuổi cần phải xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 như sau:
Trẻ em
Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Do đó, trẻ em có thể xem phim loại K, tuy nhiên cần lưu ý trẻ em dưới 13 tuổi cần phải xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Phim loại K là gì? Trẻ em có được xem phim loại K không? 07 Nội dung tiêu chí phân loại phim đối với phim loại K là gì? (Hình từ Internet)
07 Nội dung tiêu chí phân loại phim đối với phim loại K là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL thì phim loại K được phân loại dựa trên các tiêu chí sau:
- Tiêu chí về chủ đề, nội dung;
- Tiêu chí về bạo lực;
- Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;
- Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện;
- Tiêu chí về kinh dị;
- Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục;
- Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Và theo khoản 10 Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định các nội dung tiêu chí phân loại phim thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL. Cụ thể:
(1) Chủ đề, nội dung
- Như mức phân loại P;
- Những nội dung cần có cha mẹ và người giám hộ hướng dẫn được miêu tả ở mức độ nhẹ, mức độ tác động đến người xem ít và phải phù hợp với bối cảnh.
(2) Bạo lực
- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không xuất hiện thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim;
- Không được miêu tả bạo lực tình dục.
(3) Khỏa thân, tình dục
- Có thể có hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, nhưng không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và không liên quan đến tình dục;
- Đối với phim có nội dung, chủ đề đặc biệt như lịch sử, hoặc tài liệu về chiến tranh, diệt chủng, trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số hoặc là phong tục tập quán của quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu trong phim có thể có hình ảnh khỏa thân từ phía sau, nhưng miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài;
- Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hoạt động tình dục.
(4) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện
Có thể có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện nhưng nhằm mục đích lên án, phản đối những hành vi đó hoặc có mục đích, thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và phải phù hợp với nội dung phim;
(5) Kinh dị
Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài và không diễn ra thường xuyên, ít có tác động và không tạo cảm giác đe dọa đến người xem. Kết quả phải mang tính trấn an và giải toả.
(6) Ngôn ngữ thô tục
Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục nhưng được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim, như sử dụng tiếng lóng, cách xử lý mang tính hài hước.
(7) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước
Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích và kích thích bắt chước các hành động trong phim như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật khác trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và có thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và không khai thác sâu.
Cho trẻ em xem phim loại K một mình tại rạp chiếu phim có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về phổ biến phim như sau:
Vi phạm quy định về phổ biến phim
...
5. Phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về phổ biến phim trong rạp chiếu phim của cơ sở điện ảnh như sau:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kết nối dữ liệu, chế độ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam; thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em theo quy định;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim;
d) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật về rạp chiếu phim theo quy định.
...
Như vậy, theo quy định hiện hành thì rạp chiếu phim chỉ bị xử phạt khi để trẻ em dưới 13 tuổi không đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ xem phim loại K tại rạp chiếu phim. Nếu phát hiện vi phạm thì rạp chiếu phim bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã số thông tin của dự án đầu tư xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng thể hiện các thông tin gì?
- Vé số bị rách góc có đổi được hay không sẽ do ai quyết định? Vé số bị rách góc cần phải đổi thưởng trong thời hạn bao lâu?
- Thông tin tín dụng là gì? Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cần phải tuân thủ những quy định nào?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện lớp 5? Tuổi của học sinh lớp 5 là bao nhiêu?
- Mẫu xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam?