Quá cảnh hàng hóa tại Hệ thống ACTS, doanh nghiệp muốn được miễn bảo lãnh nhiều hành trình phải đáp ứng điều kiện gì?
- Quá cảnh hàng hóa tại Hệ thống ACTS, doanh nghiệp muốn được miễn bảo lãnh nhiều hành trình phải đáp ứng điều kiện gì?
- Hồ sơ, thủ tục miễn bảo lãnh nhiều hành trình đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS được quy định thế nào?
- Doanh nghiệp nào được công nhận là doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên?
Quá cảnh hàng hóa tại Hệ thống ACTS, doanh nghiệp muốn được miễn bảo lãnh nhiều hành trình phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định trường hợp doanh nghiệp muốn được miễn bảo lãnh nhiều hành trình khi quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Được công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên;
- Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hoặc kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp không nợ quá hạn quá 90 ngày tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan trong thời hạn 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị miễn bảo lãnh.
Quá cảnh hàng hóa tại Hệ thống ACTS (Hình từ Internet)
Hồ sơ, thủ tục miễn bảo lãnh nhiều hành trình đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS được quy định thế nào?
Cũng theo quy định tại Điều 26 Nghị định 46/2020/NĐ-CP thì hồ sơ, thủ tục miễn bảo lãnh nhiều hành trình đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS được thực hiện như sau:
(1) Về hồ sơ miễn bảo lãnh gồm có:
- Văn bản đề nghị miễn bảo lãnh theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;
Mẫu văn bản đề nghị miễn bảo lãnh được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 42/2020/TT-BTC - Tải về
- Quyết định công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên: 01 bản chụp đối với trường hợp lần đầu đề nghị miễn bảo lãnh.
(2) Thủ tục miễn bảo lãnh:
- Người khai hải quan gửi hồ sơ cho cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan lần đầu thông qua Hệ thống ACTS;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị miễn bảo lãnh, cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu với các quy định tại khoản 1 Điều này và thông báo cho người khai hải quan về việc miễn bảo lãnh theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành, đồng thời cập nhật thông tin thông qua Hệ thống ACTS để người khai hải quan khai số GRN trên tờ khai quá cảnh hải quan.
Lưu ý: Khi phát sinh tiền thuế hải quan và các khoản phải nộp khác của hàng hóa quá cảnh, doanh nghiệp quá cảnh được miễn bảo lãnh theo quy định tại Điều này có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nào được công nhận là doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên?
Doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên là các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 46/2020/NĐ-CP như sau:
Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên
Doanh nghiệp quá cảnh được áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS nếu đáp ứng đủ các điêu kiện sau:
1. Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp quá cảnh là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại Việt Nam hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quá cảnh nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thành lập và có trụ sở tại Việt Nam.
2. Điều kiện về mức độ sử dụng thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS:
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS phải đảm bảo lượng tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS tối thiểu bằng 60% tổng số tờ khai quá cảnh qua các nước ASEAN mà doanh nghiệp thực hiện trong 01 năm tính đến thời điểm doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.
3. Điều kiện về chấp hành tốt pháp luật kiểm toán:
Báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
4. Điều kiện về lưu giữ hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa quá cảnh:
Hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa quá cảnh phải được doanh nghiệp lưu giữ theo quy định của pháp luật về hải quan.
5. Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế:
a) Tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, doanh nghiệp không nợ quá hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
b) Trong thời hạn 05 năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi:
Trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục hải quan và chức danh tương đương.
6. Điều kiện về sử dụng niêm phong đặc biệt: Niêm phong đặc biệt đã được cơ quan hải quan chấp nhận.
Đồng thời doanh nghiệp này phải được công nhận theo thủ tục tại Điều 34 Nghị định 46/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?