Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gì? Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi đáp ứng được những điều kiện gì?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gì?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gì? (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 37 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.
Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi đáp ứng được những điều kiện gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 103/2021/TT-BTC quy định như sau:
Lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP , Thông tư này và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
...
Căn cứ trên quy định doanh nghiệp được lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu
...
5. Đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đổi tên Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Sửa đổi Mẫu số 1, Mẫu số 2, Mẫu số 3, bổ sung Mẫu số 3a, Mẫu số 4a tại Phụ lục của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP .
...
Dẫn chiếu theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 08/2018/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên.
-. Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.
- Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.
- Có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất năm (05) cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
- Thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định tại khoản 5 Điều này nhưng phải đáp ứng thêm điều kiện sau:
+ Có phương tiện vận tải, xe tra nạp nhiên liệu hàng không phù hợp với quy định, tiêu chuẩn mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên.
+ Có kho tiếp nhận tại sân bay với các trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn của mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên.
+ Có phòng thử nghiệm đủ năng lực thuộc sở hữu hoặc thuê để kiểm tra chất lượng mặt hàng nhiên liệu hàng không theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng nào?
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 103/2021/TT-BTC quy định như sau:
Lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
...
2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản; thực hiện các nghiệp vụ trích lập, chi sử dụng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu; công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội. Trường hợp có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu lớn hơn ba trăm tỷ đồng (300 tỷ đồng), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được mở thêm tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng khác.
...
Theo đó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người đưa hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi có bị vi phạm pháp luật không?
- Tai nạn giao thông là gì? Mẫu bản tường trình tai nạn giao thông đường bộ mới nhất hiện nay? Tải mẫu?
- Mã QR là gì? Mức phạt hành chính tội đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tiền của người khác là bao nhiêu?
- Cán bộ công chức có phải thực hiện kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài của vợ/chồng hay không?
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?