Quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát của ngân hàng thương mại có bắt buộc phải có những quy định về quản lý rủi ro hay không?
Quy định nội bộ của ngân hàng thương mại có bắt buộc phải có quy định về quản lý rủi ro hay không?
Quy định nội bộ về quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-NHNN, quản lý rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, pháp luật quy định phải có quy định nội bộ đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 13/2018/TT-NHNN như sau:
"2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ tuân thủ theo quy định tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng, trong đó phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Thẩm quyền ban hành:
(i) Đối với ngân hàng thương mại: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên ban hành quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng thương mại, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu; Ban kiểm soát ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành các quy chế, quy trình, thủ tục tác nghiệp (sau đây gọi là quy trình nội bộ);
(ii) Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành quy định nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của ngân hàng mẹ hoặc sử dụng quy định nội bộ của ngân hàng mẹ ban hành;
c) Đáp ứng các yêu cầu và nội dung về hoạt động kiểm soát quy định tại Điều 14, khoản 1 và 2 Điều 15 Thông tư này;
d) Được đánh giá định kỳ theo quy định tại Thông tư này và quy định của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật và sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết)."
Trong quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại này phải có quy định nội bộ về quản lý rủi ro, trong đó tối thiểu có các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 13/2018/TT-NHNN sau đây:
- Việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách quản lý rủi ro;
- Việc xây dựng, ban hành và thực hiện hạn mức rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu (bao gồm cả các phương pháp xây dựng hạn mức rủi ro, cá nhân, bộ phận thực hiện xây dựng hạn mức rủi ro, phân bổ hạn mức rủi ro và xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm hạn mức rủi ro);
- Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu (bao gồm cả phương pháp, mô hình đo lường, kiểm soát rủi ro);
- Kiểm tra sức chịu đựng;
- Cơ chế báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro;
- Quản lý rủi ro đối với sản phẩm mới, hoạt động trên thị trường mới;
- Các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý đối với từng loại rủi ro trọng yếu.
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy quy định về quản lý rủi ro trong các quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại là thành phần bắt buộc không thể thiếu, bao gồm một số nội dung nêu trên theo luật định.
Quy định nội bộ về quản lý rủi ro cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc gì?
Nguyên tắc đề ra đối với quy định nội bộ về quản lý rủi ro được quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 13/2018/TT-NHNN bao gồm:
- Được xây dựng phù hợp với chiến lược kinh doanh, văn hóa kiểm soát, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Các trạng thái rủi ro, hành vi vi phạm về quản lý rủi ro phải được báo cáo kịp thời, đầy đủ cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, ngân hàng mẹ; có cơ chế xử lý đối với các vi phạm về quản lý rủi ro.
Việc áp dụng các quy định nội bộ về quản lý rủi ro phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nói trên.
Chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại được quy định thế nào?
Chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại được quy định tại Điều 24 Thông tư 13/2018/TT-NHNN như sau:
(1) Chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên ban hành, sửa đổi, bổ sung. Thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý rủi ro của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của ngân hàng mẹ.
(2) Chính sách quản lý rủi ro tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Khẩu vị rủi ro bao gồm:
(i) Tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu;
(ii) Chỉ tiêu về thu nhập: Tỷ suất giữa lợi nhuận so với Vốn chủ sở hữu (Returns on Equity - ROE); tỷ suất giữa lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro so với Vốn tự có (Risk Adjusted Returns on Capital - RAROC);
(iii) Chỉ tiêu khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Danh sách các rủi ro trọng yếu theo quy định tại Thông tư này;
c) Chiến lược quản lý rủi ro đối với từng rủi ro trọng yếu.
(3) Chính sách quản lý rủi ro phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Được lập cho thời gian tối thiểu 03 năm nhưng không quá 05 năm tiếp theo, được đánh giá định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần và đánh giá đột xuất do ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ quy định để điều chỉnh kịp thời khi có thay đổi về môi trường kinh doanh, pháp lý để đạt được mục tiêu quản lý rủi ro;
b) Phù hợp lợi ích của cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ theo quy định của pháp luật;
c) Phù hợp với mức vốn tự có và mức độ sẵn có của các nguồn tăng vốn tự có;
d) Có tính kế thừa, liên tục để bảo đảm tính khả thi qua các chu kỳ kinh tế.
Như vậy, quy định về quản lý rủi ro là một trong những thành phần không thể thiếu của các quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ tại ngân hàng thương mại. Việc áp dụng các quy định nội bộ về quản lý rủi ro và quy định chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
>>> Xem thêm: Tổng hợp trọn bộ các quy định hiện hành về Ngân hàng thương mại Tải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp tác xã giải thể thì quỹ chung không chia hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước được bàn giao cho ai?
- Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả thanh toán trực tiếp tiền giao dịch lùi thời hạn thanh toán của VSDC?
- Mã số thông tin của dự án đầu tư xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng thể hiện các thông tin gì?
- Vé số bị rách góc có đổi được hay không sẽ do ai quyết định? Vé số bị rách góc cần phải đổi thưởng trong thời hạn bao lâu?
- Thông tin tín dụng là gì? Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cần phải tuân thủ những quy định nào?