Quy trình thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp được quy định như thế nào? Tài sản của công ty TNHH có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của chủ công ty không?
Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty công ty TNHH một thành viên
Theo Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu như sau:
"1. Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
2. Tuân thủ Điều lệ công ty.
3. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4. Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
5. Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
6. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
7. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”
Như vậy, tài sản của công ty TNHH MTV mặc dù do một cá nhân bỏ vốn nhưng dưới danh nghĩa của công ty thì là tài sản của công ty. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Trường hợp nào được giải thể doanh nghiệp theo quy định mới nhất hiện nay?
Theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:
"1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:
a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp."
Như vậy, công ty TNHH một thành viên có thể bị giải thể trong trường hợp theo nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Giải thể Công ty TNHH một thành viên
Quy trình thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau:
"Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207 của Luật này được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
b) Lý do giải thể;
c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị;
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng;
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có);
5. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
b) Nợ thuế;
c) Các khoản nợ khác;
6. Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần;
7. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp;
8. Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể theo quy định tại khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
9. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp."
Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp là một trong những bước quan trọng doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cần nộp cùng hồ sơ giải thể doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh cùng với báo cáo thanh lý tài sản.
- Các bước tiến hành việc thanh lý tài sản diễn ra như sau:
Thứ nhất: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.
Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê, phân loại, số lượng, thu nhập hồ sơ kỹ thuật, các giấy tờ liên quan đến tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản cũng đồng thời kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản và xác định tài sản tương xứng là bao nhiêu. Tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản và lựa chọn đối tác thanh lý tài sản.
Trong trường hợp như đã nêu trên, việc thanh lý tài sản sẽ do trực tiếp Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên đứng ra tổ chức.
Thứ hai: Kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản và giá trị tài sản tương ứng
Hội đồng thanh lý tài sản sẽ đánh giá chất lượng còn lại của tài sản dựa trên các yếu tố thực tế như: sổ bảo hành, vận hành thực tế, số lần sửa chữa, hao tốn nguyên liệu, mức độ cần thiết của tài sản.. Dựa trên những đánh giá chất lượng đó mà Hội đồng thanh lý tài sản cũng xác định được giá trị còn lại của tài sản để có thể đưa ra hình thức thanh lý đối vời từng loại tài sản.
Thứ ba: Bán tài sản
Tài sản sau khi được kiểm tra, đánh giá sẽ được bán dưới các hình thức như: bán chỉ định hoặc thông báo bán công khai; bán đấu giá. Sau khi hoàn tất việc bán tài sản, khoản thu được sẽ được dùng để thực hiện thanh toán khoản nợ và nghĩa vụ còn lại của công ty giải thể (nếu có). Phần còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ và hoàn tất thanh toán các khoản nợ sẽ được chia cho các thành viên công ty theo tỷ lệ góp vốn (đối với Công ty TNHH một thành viên thì khoản thu còn lại sẽ được Chủ sở hữu công ty thu hồi lại)
Như vậy, nếu công ty TNHH một thành viên giải thể đúng trình tự theo pháp luật quy định, sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể thì phần còn lại thuộc về chủ sở hữu và chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền định đoạt phần tài sản đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?