Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay? Cần làm những gì khi chuẩn bị tinh trùng?
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 57/2015/TT-BYT thì việc thụ tinh trong ống nghiệm được hiểu là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong đó tinh trùng cho thụ tinh với noãn trong môi trường bên ngoài cơ thể (in-vitro). Phôi thu được sẽ chuyển vào buồng tử cung để làm tổ hoặc sẽ được đông lạnh để sử dụng sau.
Về quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thì sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:
(1) Thăm khám cặp vợ chồng và làm các xét nghiệm cơ bản cần thiết;
(2) Đánh giá dự trữ buồng trứng;
(3) Kích thích buồng trứng;
(4) Theo dõi sự phát triển nang noãn;
(5) Tiêm thuốc giúp trưởng thành nang noãn khi đủ điều kiện;
(6) Chọc hút noãn qua đường âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm;
(7) Bắt đầu hỗ trợ pha hoàng thể nếu chuyển phôi tươi;
(8) Đồng thời lấy tinh trùng của người chồng và chuẩn bị tinh trùng;
(9) Cho tinh trùng thụ tinh với noãn theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF) hoặc bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI);
(10) Nuôi cấy trong tủ cấy CO2;
(11) Kiểm tra sự thụ tinh của noãn;
(12) Nuôi cấy phôi và theo dõi;
(13) Chuyển phôi: có thể phôi ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5 (phôi nang), tùy phác đồ của từng cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
(14) Tiếp tục hỗ trợ pha hoàng thể nếu chuyển phôi tươi;
(15) Thử thai bằng định lượng bhCG huyết thanh;
(16) Siêu âm đường âm đạo để xác nhận sự phát triển của thai và vị trí thai.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (Hình từ Internet)
Việc chuẩn bị tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 12 Thông tư 57/2015/TT-BYT thì chuẩn bị tinh trùng là kỹ thuật nhằm mục đích loại bỏ các tinh trùng chết và tinh tương nhằm thu được mẫu nhiều tinh trùng khỏe mạnh để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Việc chuẩn bị tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 01: Lấy mẫu tinh dịch:
- Người chồng kiêng quan hệ tình dục từ 3 đến 7 ngày trước khi lấy mẫu tinh dịch;
- Chuẩn bị trước các dụng cụ dùng để xử lý mẫu tinh trùng, mỗi người một bộ dụng cụ riêng có ghi tên vợ và chồng hoặc đánh mã số;
- Lấy tinh dịch bằng phương pháp thủ dâm. Rửa tay và bộ phận sinh dục sạch trước khi lấy mẫu.
Bước 02: Chuẩn bị tinh trùng:
- Để mẫu tinh dịch ly giải hoàn toàn trong tủ ấm, ghi lại thời gian ly giải hoàn toàn;
- Lấy một ít tinh dịch đánh giá các chỉ số chung;
- Chuẩn bị tinh trùng bằng các kỹ thuật cơ bản;
- Cặn chứa tinh trùng thu được sau chuẩn bị sẽ dùng để làm IVF hoặc ICSI.
Khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì sẽ được tư vấn những vấn đề gì?
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 57/2015/TT-BYT thì cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được tư vấn những vấn đề sau đây trước khi thực hiện:
- Giải thích quy trình điều trị cho vợ, chồng bao gồm thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các xét nghiệm, phác đồ kích thích buồng trứng, thời gian dùng thuốc, theo dõi trong quá trình dùng thuốc.
- Thời gian dự kiến chọc hút noãn, thời gian cần lấy tinh trùng.
- Thời gian dự kiến chuyển phôi, khả năng trữ phôi toàn bộ khi có nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng hoặc nội mạc tử cung không thuận lợi.
- Hỗ trợ pha hoàng thể, theo dõi sau chuyển phôi.
- Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
- Các tai biến có thể xảy ra.
- Chi phí điều trị.
Trong một số trường hợp đặc biệt như thụ tinh trong ống nghiệm xin noãn, thụ tinh trong ống nghiệm do người chồng không có tinh trùng,...thì bạn có thể xem thêm tại Điều 10 Thông tư 57/2015/TT-BYT:
Tư vấn các trường hợp đặc biệt
1. Tư vấn trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm xin noãn
a) Trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm xin noãn là các trường hợp người phụ nữ lớn tuổi, người bị suy sớm buồng trứng, đáp ứng buồng trứng kém, bất thường di truyền;
b) Ngoài các nội dung thông tin cần tư vấn cho cặp vợ chồng được quy định tại Điều 9 Thông tư này, cần tư vấn thêm:
- Phải có cam kết bằng văn bản của cả vợ, chồng người cho và nhận noãn;
- Qui trình kích thích buồng trứng và theo dõi đối với người cho noãn;
- Người nhận noãn có thể sử dụng thuốc chuẩn bị nội mạc tử cung cùng lúc với kích thích buồng trứng người cho noãn để có thể chuyển phôi tươi hoặc phôi tạo thành từ noãn người cho và tinh trùng người chồng sẽ được đông lạnh toàn bộ và người nhận noãn sẽ được chuyển phôi sau đó;
- Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào tuổi của người cho noãn và khả năng chấp nhận phôi của tử cung người nhận;
- Tính di truyền của đứa con sinh ra;
- Tai biến của chọc hút noãn đối với người cho noãn.
2. Tư vấn trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm do người chồng không có tinh trùng:
a) Người chồng sẽ được sinh thiết tinh hoàn hoặc chọc hút mào tinh để xác định có tinh trùng hay không, nếu có, có thể tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng;
b) Giải thích quy trình thu thập tinh trùng bằng thủ thuật (sinh thiết mô tinh hoàn hoặc chọc hút từ mào tinh), thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI);
c) Tư vấn về tỷ lệ thành công, chi phí;
d) Tư vấn về tai biến có thể xảy ra;
đ) Trong trường hợp không lấy được tinh trùng có thể phải sử dụng mẫu tinh trùng của người cho;
e) Tính di truyền của đứa con sinh ra trong trường hợp phải xin mẫu tinh trùng.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 160/2024 chưa cải cách tiền lương đối với CBCCVC và LLVT thì nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương sử dụng thế nào?
- Thủ tục nhận lại bằng cấp ba được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp lại bằng cấp ba?
- Cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng có đương nhiên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy? Thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng?
- Đấu thầu trước là gì? Các gói thầu nào được thực hiện đấu thầu trước theo quy định mới từ 2025?
- Ngày thanh toán giao dịch chứng khoán bị lùi thời hạn thanh toán là ngày nào? Thời gian thanh toán giao dịch bị lùi thời hạn thanh toán?