Quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được quy định như thế nào? Vợ thuê người theo dõi chồng thì có vi phạm pháp luật không?
Quyền được bảo vệ cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân được quy định như thế nào?
Căn cứ vào tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền được bảo vệ cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Từ quy định trên, thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc theo dõi, thu thập thông tin của người khác thì phải được sự đồng ý của người đó. Việc vợ anh thuê người theo dõi đời sống riêng tư của anh là trái pháp luật.
Vợ thuê người theo dõi chồng thì có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Hành vi theo dõi cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác bị xử lý như thế nào?
Theo như quy định hiện hành thì luật không cấm cụ thể hành vi "theo dõi cuộc sống riêng tư của người khác".
Nhưng nếu người có hành vi theo dõi, thu thập thông tin về cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân sau đó tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể bị xử phạt.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.
Việc điều tra, theo dõi sau đó có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như trên.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo dõi cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác như sau:
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người nào có hành vi theo dõi cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân; điều tra người khác thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 03 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp người theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Theo đó, người có hành vi khám xét, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tối đa đối với người phạm tội này có thể lên đến 05 năm tù.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vị thành niên là gì? Độ tuổi vị thành niên? Đặc điểm tâm sinh lý vị thành niên? Dấu hiệu dậy thì thời kỳ vị thành niên ở nam và nữ?
- 09 Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân, tập thể theo Nghị định 98? Cách ghi Báo cáo thành tích cá nhân, tập thể?
- Viên chức tư vấn học sinh hạng 3 phải tốt nghiệp trình độ gì? Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức tư vấn học sinh hạng 3?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng có phải là nền tảng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số không?
- Intersex là gì? 03 giai đoạn lứa tuổi vị thành niên? Nguy cơ có thể gặp khi mang thai ở tuổi vị thành niên theo Bộ Y tế?