Sĩ quan An ninh tàu, Nhân viên An ninh Công ty là gì? Nhân viên An ninh Công ty và Sĩ quan An ninh tàu được quy định thế nào?
Sĩ quan An ninh tàu, Nhân viên An ninh Công ty là gì?
Mục 2 Phần A Phụ lục Bộ luật ISPS Bộ luật Quốc tế về anh ninh tàu và bến cảng và bổ sung sửa đổi 2002 của Solas thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2002 (gọi tắt là Bộ luật ISPS) định nghĩa như sau:
Sĩ quan An ninh Tàu là một người trên tàu, chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng, được Công ty chỉ định, có trách nhiệm đối với an ninh của tàu, bao gồm cả việc thực thi và duy trì Kế hoạch An ninh Tàu và giữ liên lạc với Nhân viên An ninh Công ty và các Nhân viên An ninh Bến cảng.
Nhân viên An ninh Công ty là người được công ty chỉ định để đảm bảo thực hiện đánh giá an ninh một tàu, xây dựng, đệ trình để phê duyệt Kế hoạch An ninh Tàu, và sau đó thực thi và duy trì kế hoạch an ninh, và liên lạc với các Nhân viên An ninh Bến cảng và Sĩ quan An ninh Tàu."
Sĩ quan An ninh tàu
Nhân viên An ninh Công ty và Sĩ quan An ninh tàu được quy định thế nào?
Mục 11 Phần A Phụ lục của Bộ luật ISPS yêu cầu Nhân viên An ninh Công ty như sau:
- Công ty phải bổ nhiệm Nhân viên An ninh Công ty. Một người được bổ nhiệm là Nhân viên An ninh Công ty có thể giữ nhiệm vụ là Nhân viên An ninh Công ty đối với một hoặc nhiều tàu, tùy thuộc vào số lượng hoặc loại tàu mà Công ty khai thác với điều kiện phải nêu rõ người này có trách nhiệm với những tàu nào. Một Công ty có thể, tùy thuộc vào số lượng và loại tàu họ khai thác, bổ nhiệm một vài người là Nhân viên An ninh Công ty với điều kiện phải nêu rõ mỗi người có trách nhiệm đối với những tàu nào.
- Ngoài những nhiệm vụ nêu ở các quy định khác trong Phần này của Bộ luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của Nhân viên An ninh Bến cảng phải bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn:
+ Tư vấn mức độ đe dọa mà tàu có thể gặp, sử dụng các đánh giá an ninh phù hợp và các thông tin liên quan khác;
+ Đảm bảo các đánh giá an ninh tàu được thực hiện;
+ Đảm bảo xây dựng, đệ trình để phê duyệt và sau đó triển khai áp dụng và duy trì Kế hoạch An ninh Tàu;
+ Đảm bảo Kế hoạch An ninh Tàu được sửa đổi, nếu phù hợp, để khắc phục những khiếm khuyết và đảm bảo hoạt động tốt của các thiết bị an ninh của từng tàu;
+ Sắp xếp cho các đánh giá nội bộ và soát xét các hoạt động an ninh;
+ Sắp xếp cho việc thẩm tra tàu lần đầu và các lần sau đó của Chính quyền hành chính hoặc tổ chức an ninh được công nhận;
+ Đảm bảo các khiếm khuyết và sự không phù hợp được phát hiện trong các lần đánh giá nội bộ, soát xét định kỳ, các đợt kiểm tra và thẩm tra an ninh được xác định rõ và giải quyết nhanh chóng;
+ Nâng cao ý thức và cảnh giác an ninh;
+ Đảm bảo việc đào tạo đầy đủ cho những người có trách nhiệm về an ninh của tàu;
+ Đảm bảo trao đổi thông tin và phối hợp hiệu quả giữa Sĩ quan An ninh Tàu và nhân viên an ninh bến cảng liên quan;
+ Đảm bảo tính thống nhất giữa các yêu cầu về an ninh và các yêu cầu về an toàn;
+ Đảm bảo rằng, nếu sử dụng kế hoạch an ninh cho các tàu cùng sê-ri hoặc cho đội tàu, kế hoạch cho mỗi tàu phản ánh đúng thông tin đặc trưng về tàu đó; và
+ Đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp thay thế hoặc tương đương nào được duyệt cho một tàu hoặc nhóm tàu cụ thể được thực hiện và duy trì.
Mục 12 Phần A Phụ lục của Bộ luật ISPS yêu cầu Sĩ quan An ninh Tàu như sau:
- Sĩ quan An ninh Tàu phải được bổ nhiệm cho mỗi tàu.
- Ngoài những nhiệm vụ nêu ở các quy định khác trong Phần này của Bộ luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của sĩ quan an ninh tàu phải bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn:
+ Thực hiện các kiểm tra an ninh thường kỳ tàu để đảm bảo các biện pháp an ninh phù hợp được duy trì;
+ Duy trì và giám sát việc triển khai Kế hoạch An ninh Tàu, kể cả việc bổ sung sửa đổi kế hoạch;
+ Phối hợp các khía cạnh an ninh trong hoạt động làm hàng, các đồ dự trữ của tàu với những người trên tàu và với những nhân viên an ninh phù hợp của bến cảng;
+ Đề xuất những bổ sung sửa đổi cho Kế hoạch An ninh Tàu;
+ Báo cáo cho Nhân viên An ninh Công ty về bất kỳ khiếm khuyết và sự không phù hợp nào được phát hiện trong các lần đánh giá nội bộ, soát xét định kỳ, các đợt kiểm tra và thẩm tra an ninh về tính phù hợp, và thực hiện các hành động khắc phục;
+ Nâng cao ý thức và cảnh giác an ninh;
+ Đảm bảo việc đào tạo đầy đủ cho những người trên tàu, nếu phù hợp;
+ Báo cáo tất cả các sự cố an ninh;
+ Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch an ninh tàu với Nhân viên An ninh Công ty và nhân viên an ninh phù hợp của bến cảng; và
+ Đảm bảo các thiết bị an ninh, nếu có, được hoạt động, thử, hiệu chuẩn và bảo dưỡng phù hợp.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan An ninh tàu, Nhân viên An ninh Công ty
Theo Điều 6 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty như sau:
- Trình tự thực hiện
+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện; nếu hồ sơ đầy đủ thì thông báo với tổ chức, cá nhân về thời gian và địa điểm đào tạo.
+ Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành tổ chức đào tạo và kiểm tra sau khóa đào tạo; nếu không đạt thì thông báo cho tổ chức, cá nhân; nếu đạt thì cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan an ninh tàu, Cán bộ an ninh công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV.
- Cách thức thực hiện
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Thành phần, số lượng hồ sơ
+ Thành phần hồ sơ:
Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân; sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị và 01 ảnh màu cỡ 4 x 6 chụp trong thời gian 06 tháng trở lại (mặt sau ảnh ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh).
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thời hạn giải quyết
Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan an ninh tàu, Cán bộ an ninh công ty được cấp sau 01 ngày làm việc kể từ khi có kết quả đào tạo.
- Yêu cầu điều kiện: Đạt kết quả khoá học theo yêu cầu của Bộ luật ISPS.
- Lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.
Như vậy, Sĩ quan An ninh tàu và Nhân viên An ninh Công ty có vai trò quan trọng trong an ninh của tàu biển. Vì vậy, luật pháp có những yêu cầu nhất định đối với hai chức danh này cũng như là việc huấn luyện, đào tạo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?