Sim số đẹp có phải là tài sản của cá nhân không? Sim số đẹp có được xem là di sản thừa kế hay không?
Sim số đẹp có phải là tài sản của cá nhân không?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:
Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định:
Phân loại tài sản công
Tài sản công tại Luật này được phân loại như sau:
...
7. Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định trên thì kho số viễn thông được xác định là một trong các loại tài sản công.
Mặc khác, theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Nhà nước giao quyền sử dụng đối với những đầu số, dãy số đặc biệt trong kho số viễn thông cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Khi đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số viễn thông cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sim số đẹp (số điện thoại) không phải là tài sản của cá nhân, người dùng chỉ có quyền sử dụng số điện thoại chứ không thực sự sở hữu riêng số điện thoại đó.
Quyền sử dụng số điện thoại được xác lập dựa trên sự thoả thuận (hợp đồng dịch vụ viễn thông) giữa người dùng và nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong suốt quá trình sử dụng, người dùng phải thực hiện, tuân thủ theo các chính sách của nhà mạng.
Sim số đẹp có được xem là di sản thừa kế hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 về chấm dứt hợp đồng như sau:
Chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thỏa thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
7. Trường hợp khác do luật quy định.
Theo quy định nêu trên hợp đồng chấm dứt trong trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện.
Như vậy, khi người dùng chết thì hợp đồng dịch vụ viễn thông giữa người dùng và nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cũng sẽ chấm dứt thực hiện.
Ngoài ra, theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 về di sản thừa kế như sau:
Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Như vậy, số điện thoại, kể cả sim số đẹp sẽ không được xem là di sản thừa kế của người mất.
Sim số đẹp có phải là tài sản của cá nhân không? Sim số đẹp có được xem là di sản thừa kế hay không? (Hình từ Internet)
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công?
Theo Điều 10 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định về các bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công
1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
3. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
4. Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
5. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
6. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
8. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
10. Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp tác xã giải thể thì quỹ chung không chia hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước được bàn giao cho ai?
- Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả thanh toán trực tiếp tiền giao dịch lùi thời hạn thanh toán của VSDC?
- Mã số thông tin của dự án đầu tư xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng thể hiện các thông tin gì?
- Vé số bị rách góc có đổi được hay không sẽ do ai quyết định? Vé số bị rách góc cần phải đổi thưởng trong thời hạn bao lâu?
- Thông tin tín dụng là gì? Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cần phải tuân thủ những quy định nào?