Sở hữu riêng là gì? Tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng là tài sản nào? Tài sản thuộc sở hữu riêng có bị hạn chế về số lượng, giá trị?
Sở hữu riêng là gì? Tài sản thuộc sở hữu riêng có bị hạn chế về số lượng, giá trị không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu riêng
1. Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.
2. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì sở hữu riêng được hiểu là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.
Theo đó, tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng thì không bị hạn chế về số lượng, giá trị.
Lưu ý: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng được quy định tại Điều 206 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Sở hữu riêng là gì? Tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng là tài sản nào? Tài sản thuộc sở hữu riêng có bị hạn chế về số lượng, giá trị? (Hình từ Internet)
Tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng là tài sản nào?
Căn cứ vào Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật
1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Như vậy, tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng bao gồm các tài sản sau đây:
(1) Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
(2) Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
(3) Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được chia riêng cho vợ chồng;
(4) Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ chồng;
(5) Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, bao gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ chồng.
Lưu ý:
- Tài sản được hình thành từ tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Status mùng 1 Tết 2025, Cap mùng 1 Tết 2025 hay và ý nghĩa? Mùng 1 Tết ngày mấy, thứ mấy 2025?
- Mức phạt không đăng ký kinh doanh dạy thêm 2025 là bao nhiêu? Không đăng ký kinh doanh dạy thêm 2025 bị phạt bao nhiêu tiền?
- Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo Thông tư 14 bao gồm những nội dung như thế nào?
- Quyết định 1334 năm 2024 công bố TTHC thay thế, bãi bỏ lĩnh vực hoạt động xây dựng như thế nào?
- Thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu đường bộ từ 1/1/2025 thực hiện như thế nào?