Tải bảng Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu chuẩn Thông tư 06? Trình tự xác định cấp công trình? Cách xác định chiều cao của công trình, kết cấu?
- Tải bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu chuẩn Thông tư 06?
- Trình tự xác định cấp công trình xây dựng theo loại và quy mô kết cấu theo bảng phân cấp công trình xây dựng? Cách xác định chiều cao của công trình, kết cấu?
- Nguyên tắc xác định cấp công trình xây dựng được quy định ra sao?
Tải bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu chuẩn Thông tư 06?
Bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD.
TẢI VỀ Bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu
Một số thuật ngữ sử dụng trong tiêu chí phân cấp của Bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu nêu trên được hiểu như sau:
- Nhà, Kết cấu dạng nhà: Công trình xây dựng dạng hình khối, có phần nổi trên mặt đất, được cấu tạo từ kết cấu chịu lực, bao che (có thể có hoặc không) và mái.
- Cao độ mặt đất hoặc cao độ mặt đất đặt công trình: Cao độ lấy theo quy hoạch được duyệt (tại những khu vực chưa có quy hoạch, lấy theo cao độ thiết kế hoặc cao độ mặt đất hiện trạng với công trình hiện hữu).
- Tầng trên mặt đất: Tầng mà cao độ mặt sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình.
- Tầng hầm (hoặc tầng ngầm): Tầng mà hơn một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình.
- Tầng nửa/bán hầm (hoặc tầng nửa/bán ngầm): Tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình.
- Tầng lửng: Tầng trung gian giữa các tầng mà sàn của nó (sàn lửng) nằm giữa sàn của hai tầng có công năng sử dụng chính hoặc nằm giữa mái công trình và sàn tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới; tầng lửng có diện tích sàn nhỏ hơn diện tích sàn xây dựng tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới.
- Tầng áp mái: Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.
- Tầng tum hoặc tầng mái tum: Tầng trên cùng của tòa nhà sử dụng cho các mục đích bao che lồng cầu thang, giếng thang máy, các thiết bị công trình (nếu có) và phục vụ mục đích lên sàn mái và cứu nạn cứu hộ.
- Tầng kỹ thuật: Tầng sử dụng để bố trí các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà (có thể kết hợp bố trí gian lánh nạn trong tầng kỹ thuật).
- Độ sâu ngầm: Chiều sâu tính từ cốt mặt đất đặt công trình tới mặt trên của sàn tầng hầm sâu nhất.
- Nhịp kết cấu lớn nhất của nhà/công trình: Khoảng cách lớn nhất giữa tim của các trụ (cột, tường) liền kề, được dùng để đỡ kết cấu nằm ngang (dầm, sàn không dầm, giàn mái, giàn cầu, cáp treo…). Riêng đối với kết cấu công xôn, lấy giá trị nhịp bằng 50% giá trị quy định trong Bảng 2.
- Tổng diện tích sàn của nhà/công trình: Tổng diện tích sàn của tất cả các tầng, bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng tum. Diện tích sàn của một tầng là diện tích sàn xây dựng của tầng đó, gồm cả tường bao (hoặc phần tường chung thuộc về nhà) và diện tích mặt bằng của lôgia, ban công, cầu thang, giếng thang máy, hộp kỹ thuật, ống khói.
Tải bảng Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu chuẩn Thông tư 06? Trình tự xác định cấp công trình? Cách xác định chiều cao của công trình, kết cấu? (Hình từ Internet)
Trình tự xác định cấp công trình xây dựng theo loại và quy mô kết cấu theo bảng phân cấp công trình xây dựng? Cách xác định chiều cao của công trình, kết cấu?
Tại Phụ lục II Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD có quy định trình tự xác định cấp công trình xây dựng theo loại, quy mô kết cấu và cách xác định chiều cao của công trình, kết cấu, cụ thể như sau:
(1) Xác định cấp công trình theo loại và quy mô kết cấu được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Trên cơ sở đặc điểm của công trình, xác định loại kết cấu theo các mục trong bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu;
Bước 2: Xác định cấp công trình theo tất cả các tiêu chí phân cấp quy định cho loại kết cấu đã xác định tại bước 1. Lấy cấp cao nhất xác định được làm cấp công trình.
(2) Cách xác định chiều cao của công trình/kết cấu:
- Đối với công trình/kết cấu thuộc mục 2.1 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao được tính từ cao độ mặt đất đặt công trình tới điểm cao nhất của công trình (kể cả tầng tum hoặc mái dốc).
Đối với công trình/kết cấu đặt trên mặt đất có các cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất. Nếu trên đỉnh công trình có các thiết bị kỹ thuật như cột ăng ten, cột thu sét, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, bể nước kim loại,… thì chiều cao của các thiết bị này không tính vào chiều cao công trình.
- Đối với kết cấu thuộc mục 2.2 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao của kết cấu được tính từ cao độ mặt đất tới điểm cao nhất của công trình. Đối với công trình có cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất.
Chiều cao của kết cấu trong một số trường hợp riêng được quy định như sau:
+ Đối với kết cấu trụ/tháp/cột đỡ các thiết bị thuộc mục 2.2.1 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao của kết cấu được tính bằng tổng chiều cao của trụ/tháp/cột đỡ thiết bị và thiết bị đặt trên trụ/tháp/cột đỡ;
+ Đối với các kết cấu được lắp đặt trên các công trình hiện hữu thuộc mục 2.2.2 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao của kết cấu được tính từ chân tới đỉnh của kết cấu được lắp đặt (ví dụ: cột BTS chiều dài 12m, đặt trên nóc nhà 3 tầng hiện hữu, chiều cao kết cấu của cột BTS này được tính là 12m).
- Đối với kết cấu thuộc mục 2.3:
+ Chiều cao trụ đỡ: Khoảng cách từ mặt trên của bệ đỡ (móng đỡ) trụ đến đỉnh trụ;
+ Độ cao so với mặt đất, mặt nước: Khoảng cách từ cáp treo tới mặt đất hoặc mặt nước (mực nước trung bình năm) bên dưới;
- Đối với kết cấu chứa thuộc mục 2.4 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao kết cấu chứa xác định tương tự với mục 2.1 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về)
- Đối với kết cấu thuộc mục 2.5 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao trụ cầu là khoảng cách từ mặt trên bệ đỡ trụ (móng đỡ) đến đỉnh trụ;
- Đối với kết cấu tường chắn, kè thuộc mục 2.7 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về):
+ Chiều cao tường: Tính từ mặt nền đất phía thấp hơn đến đỉnh tường chắn;
+ Chiều cao kè: Tính bằng tổng của phần kết cấu bên dưới và bên trên mặt nước.
- Đối với kết cấu đập thuộc mục 2.8 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về):
+ Kết cấu đập thuộc mục 2.8.1 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao đập tính từ mặt nền thấp nhất sau khi dọn móng (không kể phần chiều cao chân khay) đến đỉnh đập;
+ Kết cấu đập thuộc mục 2.8.2 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao đập tính từ đáy chân khay thấp nhất đến đỉnh đập.
- Đối với kết cấu thuộc mục 2.14.2 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về): Chiều cao tính từ mặt đất tới đỉnh công trình/kết cấu.
Lưu ý 1: Cách xác định số tầng cao của công trình thuộc mục 2.1 (quy định tại bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về) như sau:
Số tầng cao của công trình: Tổng của tất cả các tầng trên mặt đất và tầng nửa/bán hầm nhưng không bao gồm tầng áp mái. Một số trường hợp riêng sau đây, tầng tum và các tầng lửng không tính vào Số tầng cao:
- Tầng tum không tính vào số tầng cao của công trình khi sàn mái tum có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.
- Tầng lửng không tính vào số tầng cao của công trình trong các trường hợp sau:
+ Nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác: Tầng lửng có diện tích sàn không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới và chỉ cho phép có một tầng lửng không tính vào số tầng cao của nhà.
+ Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp: Duy nhất 01 tầng lửng không tính vào số tầng cao của công trình khi tầng lửng chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.
+ Các công trình khác: Tầng lửng chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật, có diện tích sàn không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới.
Lưu ý 2: Đối với Kênh thoát nước hở (công trình hạ tầng kỹ thuật): Xác định cấp công trình theo kết cấu gia cố của bờ kênh hoặc mái kênh (chọn loại phù hợp với mục 2.7 hoặc mục 2.9 trong bảng phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu Tải về).
Nguyên tắc xác định cấp công trình xây dựng được quy định ra sao?
Nguyên tắc xác định cấp công trình được quy định tại Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD, cụ thể như sau:
(1) Cấp công trình quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD được xác định theo các tiêu chí sau:
- Mức độ quan trọng, quy mô công suất: Áp dụng cho từng công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo các loại công trình quy định tại Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD;
- Quy mô kết cấu: Áp dụng cho từng công trình độc lập thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo các loại kết cấu quy định tại Phụ lục II Thông tư 06/2021/TT-BXD.
(2) Cấp công trình của một công trình độc lập là cấp cao nhất được xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư 06/2021/TT-BXD. Trường hợp công trình độc lập không quy định trong Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cấp công trình được xác định theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 06/2021/TT-BXD và ngược lại.
(3) Cấp công trình của một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục được xác định như sau:
- Trường hợp tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục có quy định trong Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cấp công trình được xác định theo Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD;
- Trường hợp tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục không quy định trong Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cấp công trình được xác định theo cấp của công trình chính (thuộc tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ) có cấp cao nhất. Cấp của công trình chính xác định theo quy định tại khoản (2).
(4) Cấp công trình của công trình hiện hữu được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xác định như sau:
- Trường hợp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp làm thay đổi các tiêu chí xác định cấp công trình quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cấp công trình của công trình sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được xác định theo quy định tại Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD;
- Trường hợp khác với quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cấp công trình của công trình trước và sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp không thay đổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp Báo cáo chính trị Đại hội chi bộ khu dân cư? Tải về Mẫu Báo cáo chính trị Đại hội chi bộ khu dân cư?
- Mẫu báo cáo xử lý kỷ luật công chức viên chức theo Quyết định 531 mới nhất? Tải về mẫu báo cáo?
- Những bài thơ hay về ngày 22 tháng 12 năm 2024 ngắn gọn? Thơ ngắn về 22 12 chúc mừng ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam?
- Chỉ được điều chỉnh hợp đồng xây dựng trong thời gian nào? Tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng gồm các tài liệu nào?
- Chứng từ kế toán phải được sắp xếp theo nội dung nào? Chứng từ kế toán chi tiền có phải được duyệt?