Tái định cư có phải là hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai mới?
Tái định cư có phải là hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì tái định cư được giải thích là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật Đất đai 2024 nhưng không còn chỗ ở nào khác.
Như vậy, tái định cư được xem một hình thức bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác khi nhà nước thu hồi đất.
Tái định cư có phải là hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai mới? (Hình từ Internet)
Phải thông báo kế hoạch tái định cư cho người sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp trước bao nhiêu ngày?
Căn cứ theo Điều 85 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
1. Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm: lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
...
Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất (trong đó có kế hoạch tái định cư) cho người sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp chậm nhất là 180 ngày trước khi ban hành quyết định thu hồi đất.
Theo đó, nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm:
- Lý do thu hồi đất;
- diện tích, vị trí khu đất thu hồi;
- Tiến độ thu hồi đất;
- Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
- Kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất;
- Kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Lưu ý:
- Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn theo quy định.
- Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
- Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.
Ai có trách nhiệm hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi?
Căn cứ theo quy định tại Điều 86 Luật Đất đai 2024 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Theo đó, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm một hoặc các đơn vị, tổ chức sau đây:
(1) Tổ chức phát triển quỹ đất;
(2) Đơn vị, tổ chức khác có chức năng thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
(3) Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập đối với từng dự án, bao gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch;
- Đại diện cơ quan tài chính, cơ quan có chức năng quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi;
- Đại diện của người sử dụng đất có đất thu hồi;
- Một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phù hợp với thực tế ở địa phương.
Đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội khác được mời tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát.mời tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát.
Một số lưu ý như sau:
- Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Ủy ban nhân dân cấp huyện; kịp thời tháo gỡ khó khăn không thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
- Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Đất đai 2024 mà chưa giao, chưa cho thuê sử dụng tại khu vực đô thị thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, sử dụng; tại khu vực nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?