Tài sản hiện có là gì? Phân biệt tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai có gì khác nhau?
Tài sản hiện có là gì?
Theo Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai
1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
Như vậy, tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
Tài sản hiện có là gì? Phân biệt tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai có gì khác nhau? (Hình từ internet)
Tài sản hiện có có thể là tài sản bảo đảm không?
Theo Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Ngoài ra, theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Như vậy, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể là tài sản hiện có, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
Phân biệt tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai có gì khác nhau?
Tiêu chí | Tài sản hiện có | Tài sản hình thành trong tương lai |
Căn cứ | Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 | Khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 |
Khái niệm | Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch | Tài sản hình thành trong tương lai sẽ bao gồm: - Tài sản chưa hình thành. - Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. |
Thời điểm xác lập quyền sở hữu | Trước hoặc tại thời điểm thực hiện giao dịch | Sau thời điểm thực hiện giao dịch |
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ | Tất cả tài sản hiện có. Trừ trường trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm. (Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP) . | Không áp dụng đối với tài sản hình thành trong tương lai là quyền sử dụng đất. (khoản 4 Điều 10 Nghị định 21/2021/NĐ-CP) Không áp dụng với tài sản thuộc trường trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm. (Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP) |
Rủi ro khi sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ | Giao dịch với tài sản hiện có mang tính an toàn cao hơn | Giao dịch với tài sản hình thành trong tương lai tiềm ẩn nhiều rủi ro do tính không chắc chắn về sự hình thành của tài sản |
Có bắt buộc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản?
Theo Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Đăng ký tài sản
1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
3. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.
Như vậy, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong tố tụng hình sự, mẫu biên bản về việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng là mẫu nào? Tải mẫu?
- Việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng được quy định thế nào? Quy định của pháp luật về yêu cầu đối với công trường xây dựng?
- Điều kiện thành lập trung tâm tin học là gì theo Nghị định 125? Thủ tục thành lập trung tâm tin học như thế nào?
- Người điều khiển xe từ năm 2025 bật đèn pha khi gặp người đi bộ qua đường bị xử phạt bao nhiêu?
- Lỗi không gắn biển số xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Lỗi không gắn biển số xe ô tô 2025 trừ bao nhiêu điểm?