Thành lập cơ sở sửa chữa tàu biển hư hỏng cần đáp ứng các điều kiện gì? Cần chuẩn bị những hồ sơ nào để thành lập cơ sở sửa chữa tàu biển?
Điều kiện để mở cơ sở sửa chữa tàu biển quy định thế nào?
Căn cứ Điều 45 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định cơ sở đóng mới tàu biển là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu biển được đóng mới, sửa chữa;
- Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
- Có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
- Có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cơ sở sửa chữa tàu biển
Điều kiện kinh doanh dịch vụ sửa chữa tàu biển
Theo Điều 10 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ sửa chữa tàu biển như sau:
(1) Cơ sở sửa chữa tàu biển phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt đáp ứng yêu cầu sửa chữa tàu, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người có trình độ trung cấp chuyên ngành hoặc cao đẳng nghề điện tàu thủy.
(2) Cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng phải có tối thiểu 12 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới, hoán cải hoặc sửa chữa tàu biển.
(3) Cơ sở sửa chữa tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ hàn kim loại, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển. Thợ hàn kim loại phải có chứng chỉ chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển hoặc tương đương.
(4) Cơ sở sửa chữa tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 02 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 01 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.
Tại Điều 11 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như sau:
Đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.
Điều 13 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường như sau:
- Đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL) và các điều kiện khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 14 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định: Cơ sở sửa chữa tàu biển phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng bao gồm các quy trình công việc sửa chữa tàu biển theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương trong thời gian 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện hoạt động và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Thẩm quyền công nhận cơ sở đủ điều kiện sửa chữa tàu biển
Điều 15 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển như sau:
Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển theo quy định của Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trình tự thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện sửa chữa tàu biển
Điều 16 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
(2) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Mô tả cơ sở vật chất cần thiết liên quan đến sản xuất (sơ đồ cơ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, nhà kho, các trang thiết bị sản xuất, các thiết bị đo và kiểm tra);
c) Tài liệu, hồ sơ về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
d) Danh sách cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng kèm bản sao chụp các chứng chỉ, bằng cấp có liên quan.
(3) Thủ tục công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển; trả các chi phí liên quan đến việc đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật;
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và thống nhất thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở trong thời hạn không quá 05 ngày;
Bước 3: Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở. Nếu kết quả đánh giá đạt, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Thông báo cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.
Nếu kết quả đánh giá không đạt, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có văn bản gửi cơ sở nêu rõ lý do không đạt trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của Thông báo cơ sở đủ Điều kiện sửa chữa tàu biển là 05 năm tính từ ngày cấp.
Như vậy, muốn thành lập cơ sở sửa chữa tàu biển phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để được công nhận cơ sở đủ điều kiện sửa chữa tàu biển.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?