Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh sẽ được tham gia biểu quyết tại Hội đồng thành viên về những vấn đề nào?
Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh sẽ được tham gia biểu quyết tại Hội đồng thành viên về những vấn đề nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn như sau:
Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn
1. Thành viên góp vốn có quyền sau đây:
a) Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;
b) Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;
c) Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;
d) Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;
đ) Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty;
e) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;
g) Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;
h) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Như vậy, theo quy định nêu trên, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh sẽ được biểu quyết tại Hội đồng thành viên về những vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
- Sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty;
- Sửa đổi, bổ sung nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn.
Ngoài ra, thành viên góp vốn còn có thể biểu quyết những vấn đề khác nếu Điều lệ công ty có quy định.
Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh (Hình từ Internet)
Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh có được biểu quyết về việc tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới không?
Tại khoản 3 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về hội đồng thành viên của công ty hợp danh như sau:
Hội đồng thành viên
...
Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh tán thành:
a) Định hướng, chiến lược phát triển công ty;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
c) Tiếp nhận thêm thành viên mới;
d) Chấp thuận thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc quyết định khai trừ thành viên;
đ) Quyết định dự án đầu tư;
e) Quyết định việc vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị từ 50% vốn điều lệ của công ty trở lên, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;
g) Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;
h) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, tổng số lợi nhuận được chia và số lợi nhuận chia cho từng thành viên;
i) Quyết định giải thể; yêu cầu phá sản công ty.
Theo đó, đối với việc tiếp nhận thêm thành viên mới trong công ty hợp danh thì pháp luật chỉ quy định phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh tán thành.
Đồng thời, cũng theo như quy định về quyền của thành viên góp vốn đã nêu trước đó thì các vấn đề mà thành viên góp vốn được biểu quyết tại Hội đồng thành viên không bao gồm có việc tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới trong công ty.
Do đó, việc công ty triệu tập họp Hội đồng thành viên để tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới thì bạn sẽ không có quyền tham gia biểu quyết (Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác).
Ai có thẩm quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên công ty hợp danh?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người có thể triệu tập họp Hội đồng thành viên khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của thành viên hợp danh.
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp theo yêu cầu của thành viên hợp danh thì thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?