Thẻ giám định viên tư pháp được cấp cho những ai? Thẻ giám định viên tư pháp có hình dáng ra sao và gồm những nội dung gì?
Thẻ giám định viên tư pháp được cấp cho những ai?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 11/2020/TT-BTP quy định như sau:
Nguyên tắc chung
1. Thẻ giám định viên tư pháp được cấp cho giám định viên tư pháp để sử dụng khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.
2. Giám định viên tư pháp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn thẻ được cấp; không được tẩy, xóa, sửa chữa, cho mượn; không sử dụng thẻ vào mục đích không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, thẻ giám định viên tư pháp được cấp cho giám định viên tư pháp để sử dụng khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.
Lưu ý: Giám định viên tư pháp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn thẻ được cấp, không được tẩy, xóa, sửa chữa, cho mượn. Đặc biệt không sử dụng thẻ vào mục đích không thuộc quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.
Tải về mẫu thẻ giám định viên tư pháp tại đây Tải
Thẻ giám định viên tư pháp được cấp cho những ai? Thẻ giám định viên tư pháp có hình dáng ra sao và gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp được quy định ra sao?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) khi được cấp thẻ giám định viên tư pháp thì giám định viên tư pháp có quyền và nghĩa vụ sau:
- Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
- Từ chối giám định trong trường hợp:
+ Nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định;
+ Đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng;
+ Thời gian không đủ để thực hiện giám định;
+ Tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.
- Thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020.
- Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội.
- Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 Luật Giám định tư pháp 2012 được bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 và khoản 1 Điều 34 Luật Giám định tư pháp 2012.
Thẻ giám định viên tư pháp có hình dáng ra sao và gồm những nội dung gì?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 11/2020/TT-BTP thì hình dáng và nội dung trên thẻ giám định viên tư pháp quy định cụ thể như sau:
(1) Hình dáng, kích thước
Thẻ giám định viên tư pháp hình chữ nhật, chiều dài 90 mm, chiều rộng 65 mm, độ dày 0,76 mm, được dán ép bằng màng dán Plastic, gồm hai mặt: Nền mặt trước là hình ảnh trống đồng và các hoa văn, các họa tiết trang trí, màu vàng; nền mặt sau màu đỏ cờ.
(2) Nội dung mặt trước, tiếp giáp với lề trái, từ trên xuống gồm các thông tin sau:
- Góc trên cùng là tên cơ quan cấp thẻ giám định viên tư pháp, được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 6, kiểu chữ đứng, đậm. Dưới tên cơ quan cấp thẻ giám định viên tư pháp có đường kẻ liền có độ dài bằng từ 1/3 đến 1/2 độ dài dòng chữ và được canh giữa;
- Ảnh của người được cấp thẻ giám định viên tư pháp (2cm x 3cm), được canh giữa dưới tên cơ quan cấp thẻ giám định viên tư pháp.
(3) Nội dung mặt trước, tiếp giáp với lề phải, từ trên xuống gồm các thông tin sau:
- Quốc hiệu: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”: Được trình bày bằng chữ in hoa, màu đen, cỡ chữ 6, kiểu chữ đứng, đậm và ở phía trên cùng;
- Tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”: Được trình bày bằng chữ in thường, màu đen, cỡ chữ 6, kiểu chữ đứng, đậm và được canh giữa dưới Quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối (-), có cách chữ. Dưới Tiêu ngữ có đường kẻ liền có độ dài bằng độ dài dòng chữ và được canh giữa Tiêu ngữ;
- Dòng chữ “THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP”: Được trình bày bằng chữ in hoa, màu đỏ, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng, đậm; được canh giữa dưới Tiêu ngữ;
- Số thẻ: Gồm mã bộ, cơ quan ngang bộ, mã tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này và 04 chữ số tiếp theo là số thứ tự của thẻ, được đánh liên tiếp từ số 0001 ghi bằng chữ số Ả Rập;
- Ký hiệu thẻ bao gồm: Chữ viết tắt tên thẻ (GĐVTP) và chữ viết tắt tên cơ quan cấp thẻ, được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng.
Số thẻ và ký hiệu thẻ được canh giữa dòng chữ “THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP”;
- Họ và tên của người được cấp thẻ: Được trình bày bằng chữ in thường, màu đen, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng, đậm;
- Ngày, tháng, năm sinh của người được cấp thẻ: Ghi bằng chữ số Ả Rập;
- Lĩnh vực giám định: Được trình bày bằng chữ in thường, màu đen, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng;
- Nơi công tác: Được trình bày bằng chữ in thường, màu đen, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng (ghi rõ đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ hoặc đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
- Nơi cấp, ngày, tháng, năm cấp: Được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 8, kiểu chữ nghiêng, số, ngày, tháng, năm ghi bằng chữ số Ả Rập;
- Chức vụ người có thẩm quyền cấp thẻ (Bộ trưởng/Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh): Được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 6, kiểu chữ đứng, đậm;
- Họ tên người ký: Được trình bày bằng chữ in thường, màu đen, cỡ chữ 6, kiểu chữ đứng, đậm.
(4) Nội dung mặt sau gồm các thông tin sau:
Mặt sau thẻ giám định viên tư pháp có hình Quốc huy in nổi ở giữa, đường kính 2,5cm. Phía trên Quốc huy là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, in bằng chữ in hoa, màu vàng, cỡ chữ 8, kiểu chữ đứng, đậm. Phía dưới Quốc huy là dòng chữ “THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP”, in bằng chữ in hoa, màu vàng, cỡ chữ 10, kiểu chữ đứng, đậm.
Phông chữ ghi trên thẻ là phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.
(5) Con dấu trên thẻ giám định viên tư pháp
Con dấu trên thẻ giám định viên tư pháp là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ giám định viên tư pháp, mực dấu màu đỏ, ảnh của giám định viên tư pháp dán trên thẻ được đóng giáp lai bằng dấu nổi (ở ¼ dưới góc phải ảnh).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Toàn văn Nghị định 02 2025 hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế 2025? Tải Nghị định 02/2025/NĐ-CP pdf ở đâu?
- Hướng dẫn các cách nộp lệ phí môn bài 2025? Nộp lệ phí môn bài online năm 2025 như thế nào?
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?