Thế nào là hành vi quấy rối người tiêu dùng? Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?
- Thế nào là hành vi quấy rối người tiêu dùng?
- Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?
- Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên bị phạt bao nhiêu?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý tổ chức có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa không?
Thế nào là hành vi quấy rối người tiêu dùng?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 giải thích quấy rối người tiêu dùng là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
Quấy rối người tiêu dùng (hình từ Internet)
Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định như sau:
Các hành vi bị cấm
...
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
...
Theo đó, quấy rối người tiêu dùng bị xem là vi phạm pháp luật nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.
- Thực hiện hành vi khác (ngoài hoạt động tiếp thị) mà gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 59 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi vi phạm về quấy rối người tiêu dùng
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
1. Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.
2. Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
Chiếu theo quy định này, cá nhân thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Lưu ý mức phạt này chỉ áp dụng trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên.
Đối với tổ chức, mức xử phạt sẽ nhân hai (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý tổ chức có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa không?
Căn cứ Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Mục 2 và Mục 9 Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Như đã phân tích ở trên, mức phạt tối đa đối với tổ chức có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên là 4.000.000 đồng (thấp hơn mức phạt tối đa mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý là 5.000.000 đồng).
Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý có đủ thẩm quyền để xử phạt tổ chức thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?