Theo Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tư nhân có được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hay không?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có hiệu lực, luật này đã bổ sung rất nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp 2014 bao gồm có việc thành lập doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động doanh nghiệp,... và trong đó có cả những điểm mới về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành thì Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi trực tiếp thành những loại hình doanh nghiệp nào?
Đặc điểm chung của Doanh nghiệp tư nhân?
Theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Doanh nghiệp tư nhân như sau:
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
DNTN có được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hay không?
Doanh nghiệp tư nhân có được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, theo đó:
Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện nếu trên thì có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.
Đây chính là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, công ty hợp danh. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục được bất cập khi doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp khác mà không được chuyển đổi được trực tiếp.
Ví dụ trường hợp doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần. Như trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Doanh nghiệp tư nhân không được chuyển trực tiếp thành Công ty cổ phẩn mà muốn thực hiện việc chuyển đổi này thì phải làm theo quy trình từ Doanh nghiệp tư nhân chuyển thành Công ty TNHH rồi sau đó mới có thể chuyển đổi thành Công ty cổ phần. Như vậy rất mất thời gian, chi phí, nhận thấy được bất cập này Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi loại hình trực tiếp thành công ty cổ phần, công ty hợp danh.
Sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có phải trả các khoản nợ của mình trước đó không?
Theo khoản 3 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh như sau:
"3. Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp."
Như vậy, sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tải về Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Tải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?