Theo quy định của pháp luật hiện hành, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam hoạt động như thế nào? Người đứng đầu chi nhánh được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Về quyền, căn cứ tại Điều 19 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền của chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cụ thể như sau:
- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.
- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này.
- Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ, căn cứ tại Điều 20 Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cụ thể như sau:
- Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
- Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hoạt động của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Hoạt động của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định ra sao?
Về bộ máy quản lý chi nhánh, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 07/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Bộ máy quản lý và nhân sự của Văn phòng đại diện, Chi nhánh do thương nhân nước ngoài quyết định.
- Việc sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải thực hiện theo quy định pháp luật về lao động và phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về nội dung hoạt động của chi nhánh, theo quy định tại Điều 31 Nghị định 07/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Chi nhánh hoạt động cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp Chi nhánh hoạt động trong các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì Chi nhánh chỉ được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Về chế độ báo cáo hoạt động, theo quy định tại Điều 32 Nghị định 07/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Văn phòng đại diện, Chi nhánh có trách nhiệm gửi báo cáo theo mẫu của Bộ Công Thương về hoạt động của mình trong năm trước đó qua đường bưu điện tới Cơ quan cấp Giấy phép.
- Văn phòng đại diện, Chi nhánh có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Quy định về người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài cụ thể như sau:
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và của Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều này mà người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh trở lại làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
- Trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
+ Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
+ Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
+ Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
+ Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
- Trong trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện được thương nhân nước ngoài ủy quyền giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì thương nhân nước ngoài phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết.
- Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
+ Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
+ Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
+ Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Trên đây là những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?