Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đăng đề thi lên mạng xã hội khi ra khỏi phòng thi sớm thì có bị xem là tiết lộ đề thi không?
- Thí sinh thi tốt nghiệp THPT được ra khỏi phòng thi sớm ở tất cả các môn thi không?
- Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đăng đề thi lên mạng xã hội khi ra khỏi phòng thi sớm thì có bị xem là tiết lộ đề thi không?
- Thí sinh là người dưới 18 tuổi cố ý làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT được ra khỏi phòng thi sớm ở tất cả các môn thi không?
Tại khoản 4 Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT) quy định như sau:
Trách nhiệm của thí sinh
4. Phải tuân thủ các quy định sau đây trong phòng thi:
...
d) Trong thời gian ở phòng thi phải giữ trật tự; báo cáo ngay cho CBCT khi người khác chép bài của mình hoặc cố ý can thiệp vào bài của mình; không được trao đổi, bàn bạc, chép bài của người khác, cho người khác chép bài, sử dụng tài liệu trái quy định để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận; nếu muốn có ý kiến thí sinh phải giơ tay xin phép CBCT, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai ý kiến của mình. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu TLTN; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ);
đ) Không được rời khỏi phòng thi cho đến khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cùng cán bộ giám sát cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng Điểm thi quyết định;
e) Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay, bảo quản nguyên vẹn bài thi. Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi; thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), Phiếu TLTN (đối với bài thi trắc nghiệm).
...
Theo đó, thí sinh thi tốt nghiệp THPT có thể ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài của buổi thi đối với môn thi tự luận.
Tuy nhiên, thí sinh phải phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Như vậy, thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể ra khỏi phòng thi sớm sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài đối với những môn thi tự luận.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đăng đề thi lên mạng xã hội khi ra khỏi phòng thi sớm thì có bị xem là tiết lộ đề thi không? (Hình từ Internet)
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đăng đề thi lên mạng xã hội khi ra khỏi phòng thi sớm thì có bị xem là tiết lộ đề thi không?
Căn cứ định khoản 1 Điều 16 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT) quy định về khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật như sau:
Khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật
1. Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi hết giờ làm bài của bài thi/môn thi cuối cùng của Kỳ thi. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận.
...
Theo quy định thì thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận.
Bên cạnh đó thì như đã nói ở trên, thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể ra khỏi phòng thi sớm sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài đối với những môn thi tự luận.
Như vậy có thể hiểu khi thí sinh ra khỏi phòng thi sớm sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi ở môn tự luận thì việc bảo vệ bí mật nhà nước đối với đề thi sẽ kết thúc.
Lúc này việc thí sinh đưa đề thi lên mạng xã hội sẽ không được xem là tiết lộ bí mật nhà nước.
Thí sinh là người dưới 18 tuổi cố ý làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Đối với tội làm lộ bí mật nhà nước thì tại Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định như sau:
Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi thì tại Điều 91 Bộ luật hình sự 2015 pháp luật có quy định về nguyên tắc xử lý như sau:
Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
...
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thí sinh là người dưới 18 tuổi làm lộ đề thi theo quy định như trên khi Tòa án xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?