Thiếu dự trữ bắt buộc là gì? Tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc thì có bị xử phạt hành chính hay không?
Thiếu dự trữ bắt buộc là gì?
Căn cứ Điều 14 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về dự trữ bắt buộc như sau:
Dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
3. Ngân hàng Nhà nước quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 9 Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định:
Duy trì dự trữ bắt buộc
...
3. Xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng
a) Vượt dự trữ bắt buộc là phần vượt của dự trữ thực tế so với dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc;
b) Thiếu dự trữ bắt buộc là phần còn thiếu của dự trữ thực tế so với dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.
...
Theo đó, dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Thiếu dự trữ bắt buộc là phần còn thiếu của dự trữ thực tế so với dự trữ bắt buộc trong kỳ duy trì dự trữ bắt buộc.
Thiếu dự trữ bắt buộc là gì? (Hình từ Internet)
Tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc thì có bị xử phạt hành chính hay không?
Trường hợp thiếu dự trữ bắt buộc được quy định tại Điều 9 Thông tư 30/2019/TT-NHNN như sau:
Duy trì dự trữ bắt buộc
1. Tổ chức tín dụng duy trì dự trữ bắt buộc trên tài khoản thanh toán được mở tại Ngân hàng Nhà nước.
...
4. Tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo đó, tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Dẫn chiếu đến Điều 34 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về duy trì dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật;
b) Không tuân thủ quy định mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Và khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Như vậy, trong trường hợp tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc thì có thể bị xử phạt hành chính theo 2 hình thức sau đây:
(1) Phạt cảnh cáo;
(2) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Trong trường hợp này thì tổ chức tín dụng còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định nêu trên.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 1158/QĐ-NHNN năm 2018, tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi là tổ chức tín dụng) như sau:
(1) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và tiền gửi bằng ngoại tệ là 0%.
(2) Ngân hàng chính sách: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
(3) Các tổ chức tín dụng quy định tại mục (1) và (2) trong trường hợp được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 0% đối với tất cả các loại tiền gửi không phải báo cáo Ngân hàng nhà nước về số dư tiền gửi huy động bình quân phải dự trữ bắt buộc theo quy định về dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.
(4) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi như sau:
- Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài là 1 % trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.
(5) Tổ chức tín dụng khác (ngoài tổ chức tín dụng quy định tại mục (1), (2) và (4)) áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi như sau:
- Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?