Tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm là trách nhiệm của ai? Điều tra ngộ độc thực phẩm được thực hiện theo những bước nào?
Tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm là trách nhiệm của ai?
Cơ quan có trách nhiệm tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm được quy định tại Điều 41 Nghị định 15/2018/NĐ-CP như sau:
Phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm
1. Các bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có hiệu quả.
2. Bộ Y tế chủ trì xây dựng chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm.
3. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp.
4. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của bộ, ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận.
Theo quy định trên, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm (Hình từ Internet)
Điều tra ngộ độc thực phẩm được thực hiện theo những bước nào?
Căn cứ Điều 8 Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT thì điều tra ngộ độc thực phẩm được thực hiện theo những bước sau:
(1) Điều tra cá thể bị NĐTP.
(2) Điều tra những người đã ăn bữa ăn X và bữa ăn Y không bị NĐTP.
(3) Điều tra thức ăn đã ăn, người ăn và thời gian ăn.
(4) Điều tra những thức ăn, số người ăn và không ăn bị NĐTP và không bị NĐTP ở bữa ăn X và bữa ăn Y.
(5) Điều tra bữa ăn nguyên nhân.
(6) Điều tra thức ăn nguyên nhân.
(7) Điều tra nguồn gốc, tình hình chế biến thực phẩm.
(8) Điều tra tiền sử bệnh tật những người chế biến, nấu nướng phục vụ ăn, uống.
(9) Điều tra các mẫu thức ăn thu hồi để xét nghiệm.
(10) Điều tra cơ sở.
(11) Điều tra điều kiện môi trường và dịch bệnh ở địa phương.
Việc điều tra ngộ độc thực phẩm trong trường hợp có người bị tử vong được thực hiện thế nào?
Khi có người tử vong do ngộ độc thực phẩm thì việc điều tra ngộ độc thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT như sau:
Các nguyên tắc chung khi điều tra ngộ độc thực phẩm
1. Nắm vững tình hình dịch tễ của địa phương để có hướng phân biệt ngộ độc thực phẩm hay là dịch, tránh nhầm lẫn.
2. Điều tra trước khi bị ngộ độc 48 giờ hoặc ít nhất là 24 giờ thông qua:
a) Bệnh nhân (nếu còn tỉnh)
b) Những người xung quanh để nắm được các thông tin liên quan đến người bị ngộ độc thực phẩm đã ăn, uống những gì, các biểu hiện trong thời gian 24 - 48 giờ kể từ khi thực phẩm được ăn, uống.
3. Khai thác và nắm vững các triệu chứng lâm sàng để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
4. Phải lưu giữ thức ăn khả nghi, chất nôn, chất rửa dạ dày - ruột, nước tiểu, phân...của người bị ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu theo quy định gửi về Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Viện chuyên ngành để xét nghiệm.
5. Điều tra tình hình vệ sinh môi trường, tình hình cung cấp thực phẩm, nơi chế biến, nơi bảo quản thực phẩm, nhân viên phục vụ ăn uống...theo mẫu biểu quy định để giúp cho việc xác định nguồn gốc và nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
6. Nếu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật cần tiến hành các xét nghiệm cần thiết đối với người bị ngộ độc, xét nghiệm và điều tra nhân viên phục vụ ăn uống.
7. Trường hợp có tử vong phải kết hợp với cơ quan Công an và cơ quan Pháp y tiến hành điều tra giải phẫu bệnh lý, lấy dịch trong đường tiêu hoá, máu, tim, phổi của những người bị tử vong để xét nghiệm.
8. Việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cần phải tiến hành ngay sau khi nhận được mẫu gửi đến. Tuỳ theo dấu hiệu nghi ngờ để có chỉ định xét nghiệm thích hợp.
9. Sau khi có kết quả điều tra tại thực địa, phải tổng hợp phân tích xác định được thời gian, địa điểm xảy ra ngộ độc, số người ăn, số người mắc, số người chết, số người phải vào viện, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân, cơ sở nguyên nhân và căn nguyên, đồng thời phải đề ra được các biện pháp xử lý và phòng ngừa.
Như vậy, trường hợp có tử vong do ngộ độc thực phẩm thì cơ quan điều tra ngộ độc thực phẩm phải kết hợp với cơ quan Công an và cơ quan Pháp y tiến hành điều tra giải phẫu bệnh lý, lấy dịch trong đường tiêu hoá, máu, tim, phổi của những người bị tử vong để xét nghiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tai nạn giao thông là gì? Mẫu bản tường trình tai nạn giao thông đường bộ mới nhất hiện nay? Tải mẫu?
- Mã QR là gì? Mức phạt hành chính tội đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tiền của người khác là bao nhiêu?
- Cán bộ công chức có phải thực hiện kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài của vợ/chồng hay không?
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?