Tổ chức đám cưới tại nhà cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định gì? Bật nhạc quá to trong đám cưới có bị phạt gì không?
Cá nhân tổ chức đám cưới đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nào?
Theo Điều 2 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL có quy định các nguyên tắc trong tổ chức đám cưới như sau:
Những nguyên tắc trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội
Tổ chức, cá nhân khi tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan.
2. Không lợi dụng việc cưới, việc tang và lễ hội để hoạt động nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình.
3. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng.
4. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
5. Không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi đám cưới, lễ hội (trừ cơ quan làm nhiệm vụ); không sử dụng công quỹ của cơ quan làm quà mừng, quà tặng trong đám cưới và viếng đám tang.
Tổ chức đám cưới tại nhà cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định gì? Bật nhạc quá to trong đám cưới có bị phạt gì không? (Hình từ Internet)
Tổ chức đám cưới tại nhà cần phải thực hiện theo các quy định gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL có quy định về việc tổ chức đám cưới tại gia đình, cụ thể như sau:
Tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới
1. Việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định sau:
a) Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;
b) Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;
d) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí;
đ) Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc;
e) Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
2. Khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:
a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
b) Hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
c) Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới;
d) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
đ) Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hoá; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới;
e) Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới.
Theo đó, hai bên gia đình có thể tổ chức đám cưới tại nhà. Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới phải đảm bảo thực hiện như sau:
- Trang trọng, tiết kiệm, vui chơi lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh hai gia đình;
- Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu không phô trương, rườm rà, lãng phí, không nặng về đòi hỏi lễ vật;
- Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi, âm thanh không được vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 6h sáng và sau 22h đêm.
Bật nhạc quá to trong đám cưới có bị xem là hành vi gây ồn ào tại khu dân cư hay không? Nếu có thì xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì xử phạt hành chính đối với trường hợp bật nhạc quá to trong đám cưới như sau:
Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, trong trường hợp nếu có hành vi bật nhạc quá lớn trong đám cưới có thể coi là hành vi gây ồn ào tại khu dân cư và hành vi này thực hiện trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau có thể sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân.
Còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp tác xã giải thể thì quỹ chung không chia hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước được bàn giao cho ai?
- Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả thanh toán trực tiếp tiền giao dịch lùi thời hạn thanh toán của VSDC?
- Mã số thông tin của dự án đầu tư xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng thể hiện các thông tin gì?
- Vé số bị rách góc có đổi được hay không sẽ do ai quyết định? Vé số bị rách góc cần phải đổi thưởng trong thời hạn bao lâu?
- Thông tin tín dụng là gì? Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cần phải tuân thủ những quy định nào?