Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp nào? Có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định không?
Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng Hành chính 2015 như sau:
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
...
3. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật này.
Bên cạnh đó, tại Điều 312 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định như sau:
Yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án
1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.
3. Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, trường hợp quá thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án gửi đơn đến Tòa án xét xử sơ thẩm đề nghị ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp nào? Có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định không? (Hình từ Internet)
Người được thi hành án có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 71/2016/NĐ-CP như sau:
Yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính
1. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng hành chính mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
2. Người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính bằng hình thức trực tiếp nộp đơn, trình bày bằng lời nói, gửi đơn qua dịch vụ bưu chính hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người được thi hành án có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính bằng hình thức sau đây:
- Trực tiếp nộp đơn;
- Trình bày bằng lời nói;
- Gửi đơn qua dịch vụ bưu chính;
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính được quy định như thế nào?
Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính được quy định tại Điều 313 Luật Tố tụng Hành chính 2015 như sau:
(1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hành chính.
(2) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hành chính;
- Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính;
- Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý thi hành án hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý thi hành án hành chính;
- Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác thi hành án hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết mẫu hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ? Tải về mẫu hợp đồng lao động?
- Mẫu thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 bằng tiếng việt và tiếng anh đầy đủ, chi tiết nhất? Tải mẫu ở đâu?
- Thay đổi vốn điều lệ có phải nộp lại tờ khai thuế môn bài không? Đối tượng nộp thuế môn bài là ai?
- Gợi ý quà tết cho công nhân? Những món quà tết cho công nhân ý nghĩa? Người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán mấy ngày?
- Mẫu đề cương đánh giá an toàn công trình mới nhất? Đề cương đánh giá an toàn công trình phải được lập như thế nào?