Đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chip có phải làm lại sổ bảo hiểm xã hội không?
Căn cước công dân là gì?
Hiện nay, thẻ căn cước công dân gắn chip đang dần được thay thế cho giấy chứng minh nhân dân. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 thì căn cước công dân được hiểu là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014, trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp sẽ bao gồm các thông tin sau đây:
- Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;
- Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Bảo hiểm xã hội là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội được hiểu là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Dựa vào khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội được chia thành bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Về quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
- Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
+ Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
+ Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
+ Thông qua người sử dụng lao động.
- Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+ Đang hưởng lương hưu;
+ Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
+ Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
- Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
- Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
- Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân thì có cần làm lại sổ bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc điều chỉnh thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
- Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 thì các trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất, hỏng, gộp sổ bảo hiểm xã hội;
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội.
Tại Công văn 3835/BHXH-CST năm 2013 thì người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chỉ được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng, gộp sổ bảo hiểm xã hội hoặc thay đổi, cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung khác như: Số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Từ những căn cứ trên thì trong trường hợp bạn đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân có gắn chip thì bạn không cần phải làm lại sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện thay đổi thông tin số căn cước công dân để cơ quan BHXH dễ dàng quản lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?