Tôi muốn mở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất thì cần biết những gì?
Hóa chất là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Hóa chất 2007, hóa chất được định nghĩa như sau :
“1. Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo.”
Theo đó, hóa chất là một dạng của vật chất mà có đặc tính hóa học không đổi. Không thể tách nó ra thành những thành phần nhỏ hơn bằng các phương pháp tách vật lý mà không làm bẻ gãy các liên kết hóa học. Hóa chất tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau: khí, lỏng, rắn, và plasma.
Hóa chất
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
Căn cứ Điều 11 Luật Hóa chất 2007 về trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất:
”1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khỏe cộng đồng và môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải.
3. Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.”
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất có trách nhiệm phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải,...
Những yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Hóa chất 2007 yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất, bao gồm:
a) Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ;
b) Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác;
c) Trang thiết bị bảo hộ lao động;
d) Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải;
đ) Phương tiện vận chuyển;
e) Bảng nội quy về an toàn hóa chất; hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.”
Căn cứ Điều 13 Luật Hóa chất 2007 yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.
2. Người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công.
3. Người trực tiếp điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.”
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất phải đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Giấy chứng nhận, giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất
Căn cứ Điều 16 Luật Hóa chất 2007 về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép :
“1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 hoặc điểm a khoản 2 Điều 15 của Luật này.
3. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép cho tổ chức, cá nhân; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận nộp hồ sơ hợp lệ, tổ chức, cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất.
Như vậy, để thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất cần có những trách nhiệm nhất định như: phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải,...; Ngoài ra cần đáp ứng những yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất. Bên cạnh đó, để được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất bạn cần thực hiện trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?