Trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ có được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán không?
Khớp lệnh định kỳ là gì?
Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC có giải thích về khớp lệnh định kỳ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. Giá tham chiếu là mức giá do Sở giao dịch chứng khoán xác định và được dùng làm cơ sở để xác định giá cao nhất (giá trần), giá thấp nhất (giá sàn) trong ngày giao dịch.
4. Phương thức khớp lệnh tập trung là phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán. Phương thức khớp lệnh tập trung bao gồm khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục.
5. Khớp lệnh định kỳ là phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định.
6. Khớp lệnh liên tục là phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán.
...
Theo đó, khớp lệnh định kỳ được hiểu là phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định.
Bên cạnh khớp lệnh định kỳ còn có khớp lệnh liên tục, là một phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán.
Trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ có được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán không? (Hình từ Internet)
Có được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 120/2020/TT-BTC có quy định về giao dịch chứng khoán như sau:
Giao dịch chứng khoán
...
4. Nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán tại đợt giao dịch trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.
5. Công ty chứng khoán có trách nhiệm kiểm soát việc đặt lệnh cùng mua, cùng bán trong cùng một đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ của nhà đầu tư trên tài khoản giao dịch mở tại công ty mình.
6. Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được phép sử dụng tài khoản giao dịch môi giới quy định tại điểm b khoản 7 Điều 6 Thông tư này để vừa đặt lệnh mua và lệnh bán cùng một mã chứng khoán trong từng đợt khớp lệnh (định kỳ hoặc liên lục) hoặc giao dịch thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc lệnh mua và lệnh bán chứng khoán không phải của cùng một nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, theo quy định này thì nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ. Ngoại trừ trường hợp các lệnh đó đã được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán ở đợt giao dịch trước mà chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.
Lưu ý: Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được phép sử dụng tài khoản giao dịch môi giới quy định tại điểm b khoản 7 Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC để vừa đặt lệnh mua và lệnh bán cùng một mã chứng khoán trong từng đợt khớp lệnh (định kỳ hoặc liên lục) hoặc giao dịch thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc lệnh mua và lệnh bán chứng khoán không phải của cùng một nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian khớp lệnh định kỳ thì các lệnh giao dịch chứng khoán có được sửa đổi hay không?
Căn cứ theo Điều 17 Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 quy định về sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh như sau:
Sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh
1. Việc sửa, hủy lệnh giao dịch khớp lệnh chỉ có hiệu lực đối với lệnh chưa thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện.
2. Trong thời gian khớp lệnh định kỳ: Không được phép sửa, hủy lệnh (bao gồm cả các lệnh được chuyển từ đợt khớp lệnh liên tục sang).
3. Trong thời gian khớp lệnh liên tục: Được phép sửa, hủy lệnh. Việc sửa lệnh được thực hiện bằng cách hủy lệnh sai và nhập lại lệnh đúng. Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh đúng được nhập vào hệ thống giao dịch của SGDCK.
4. Thành viên chịu trách nhiệm về việc sửa, hủy lệnh giao dịch của nhà đầu tư quy định tại Điều này.
5. Trong trường hợp cần thiết, SGDCK có quyền yêu cầu Thành viên tạm ngừng việc sửa, huỷ lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trong thời gian khớp lệnh định kỳ thì không được phép sửa đổi hay hủy các lệnh giao dịch chứng khoán bao gồm cả các lệnh được chuyển từ đợt khớp lệnh liên tục sang.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi nhuận của nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí là gì? Chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài thì thực hiện nghĩa vụ tài chính tại đâu?
- Vạch xương cá là gì? Vạch xương cá trên đường để làm gì? Đi theo vạch xương cá như thế nào để không bị phạm luật?
- Tải mẫu bảng tổng hợp dự toán xây dựng công trình điều chỉnh mới nhất hiện nay theo Thông tư 11?
- Chuyển đất trồng lúa sang đất ở không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bị phạt bao nhiêu?
- Quyền khác đối với tài sản là gì? Gồm những quyền nào? Quyền khác đối với tài sản có bị hạn chế, bị tước đoạt?