Trong khi hành trình trên biển thì chế độ chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên được quy định như thế nào? Nguồn nước ngọt dùng để ăn, uống trên tàu biển được lấy từ đâu?
Chế độ chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên được quy định như thế nào?
Theo Điều 68 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên như sau:
- Thuyền viên được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, kịp thời và miễn phí trong thời gian làm việc trên tàu biển và tại cảng khi tàu ghé vào.
- Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển theo quy định sau đây:
+ Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thuyền viên trên tàu như người lao động làm việc trên bờ về thuốc, trang thiết bị y tế, tài liệu hướng dẫn y tế, thông tin y tế và tham vấn chuyên môn về y tế;
+ Bảo đảm cho thuyền viên được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở nha khoa tại cảng mà tàu ghé vào;
+ Có các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải, bệnh tật thông qua tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho thuyền viên.
- Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện quy định về bố trí bác sĩ trên tàu như sau:
+ Đối với tàu biển có từ một trăm người trở lên và thực hiện chuyến đi quốc tế dài hơn 03 ngày phải bố trí ít nhất một bác sĩ;
+ Đối với tàu biển có dưới một trăm người và không có bác sĩ trên tàu, phải bố trí ít nhất 01 thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế và quản lý thuốc hoặc một thuyền viên có khả năng sơ cứu y tế.
Thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế, sơ cứu y tế phải là người đã hoàn thành khóa đào tạo về chăm sóc y tế, sơ cứu y tế theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên.
- Thuyền trưởng hoặc người có nhiệm vụ chăm sóc y tế trên tàu có trách nhiệm lập biểu mẫu báo cáo y tế theo quy định. Biểu mẫu báo cáo y tế dùng để trao đổi thông tin với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên bờ. Thông tin trong biểu mẫu báo cáo y tế phải được giữ bí mật và chỉ sử dụng cho việc chuẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho thuyền viên.
- Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:
+ Công bố các cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên;
+ Quy định về tủ thuốc, trang thiết bị y tế, tài liệu hướng dẫn y tế trên tàu biển, biểu mẫu báo cáo y tế.
Nước ngọt sử dụng trên tàu biển lấy từ đâu?
Nguồn nước ngọt sử dụng để ăn uống trên tàu biển được lấy từ đâu?
Theo Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BYT quy định vệ sinh, an toàn đối với nước ăn uống như sau:
- Nước ăn uống, nước đá dùng liền được sản xuất và sử dụng ngay trên tàu biển phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.
- Nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền sử dụng trên tàu biển:
+ Phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
+ Có đủ các thông tin trên nhãn sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;
+ Phải được bảo quản phù hợp với hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm.
Như vậy, nước ngọt sử dụng trên tàu biển được sản xuất ngay tại chỗ hoặc nước đóng chai, đóng bình theo quy định pháp luật.
Định lượng bữa ăn đối với thuyền viên quy định thế nào?
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 40/2017/TT-BYT định lượng bữa ăn đối với thuyền viên như sau:
- Định lượng năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày đối với thuyền viên: Đối với nam giới từ 2.926 Kcal/ngày đến 3.234 Kcal/ngày; đối với thuyền viên là nữ giới từ 2.486 Kcal/ngày đến 2.574 Kcal/ngày. Số lượng, loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày quy đổi dựa theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam do Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế ban hành.
- Năng lượng từ các thành phần dinh dưỡng protein, lipid, glucid trong khẩu phần ăn hàng ngày chiếm các tỷ lệ tương ứng là 13-20%, 20-25% và 55-67%; bảo đảm cân đối đủ các thành phần dinh dưỡng và các vitamin, khoáng chất trong các bữa ăn hàng ngày.
- Số lượng bữa ăn, định lượng thực phẩm mỗi bữa ăn và có khoảng cách hợp lý giữa các bữa ăn trong ngày phù hợp với điều kiện làm việc trên tàu biển; tối thiểu phải có 03 bữa ăn trong ngày (1 bữa phụ và 2 bữa chính) trong điều kiện bình thường.
- Lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thức ăn phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của thuyền viên.
- Thực đơn cần thay đổi món ăn giữa các bữa trong ngày; lên thực đơn theo tuần để chủ động bảo đảm đủ số lượng thực phẩm theo khẩu phần ăn, đáp ứng yêu cầu điều kiện bảo quản thực phẩm và chế biến thức ăn cho thuyền viên.
Như vậy, thuyền viên được theo dõi và chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Nước ngọt để uống được sản xuất tại chỗ nhưng vẫn đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Bữa ăn của các thuyền viên cũng được xây dựng rõ ràng nhằm đảm bảo sức khỏe theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?